Mới đây, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với Bộ Công thương cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) cụ thể là hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ.
Chưa có quyết định chính thức nhưng giới chuyên gia nhận định việc các dòng xe lắp ráp được hưởng ưu đãi giảm lệ phí trước bạ chỉ là vấn đề thời gian, có thể bắt đầu từ giữa tháng 4/2023.
Đại lý chào khách mua xe sớm, người dùng canh cánh chờ trước bạ giảm
Đứng trước thông tin trên, phần đông người dùng đều "ôm" tâm lý chờ lệ phí trước bạ đối với xe CKD chính thức được giảm để mua ô tô. Khi có ưu đãi này, khách hàng có thể tiết kiệm từ hàng chục triệu cho tới cả trăm triệu đồng chi phí lăn bánh, tùy dòng xe.
Thế nhưng do hai tháng đầu năm thấp điểm và đồng thời các đại lý vẫn còn tồn kho khá nhiều, các tư vấn bán hàng đều chào khách mua xe luôn nhằm hưởng khuyến mãi lớn chứ không cần chờ trước bạ giảm.
Anh Gia Bảo đến từ Hà Nội chia sẻ với PV Dân trí: "Mình đặt mua một chiếc Mazda CX-5 bản 2.0L Premium hiện đang có giá niêm yết là 919 triệu đồng, phía đại lý báo giá mình là 819 triệu đồng kèm một số quà tặng phụ kiện.
Tổng lăn bánh là gần 953 triệu đồng chưa giảm trước bạ. Mình muốn chờ thông tin chính thức rồi mới lấy xe vì đến lúc đó với mức hỗ trợ giảm 50% trước bạ, mình chỉ cần bỏ ra hơn 900 triệu đồng một chút.
Phía đại lý vẫn hối mình lấy xe luôn để được hưởng khuyến mãi lớn như ở thời điểm hiện tại. Lý do vì chương trình giảm giá tới 100 triệu đồng cho CX-5 là từ nhà máy, họ cũng không cam đoan sau khi giảm trước bạ thì phía nhà máy có còn giữ ưu đãi như vậy.
Thế nên mình cũng đang phân vân không biết có nên lấy xe ngay trong tháng 3 hay không bởi mình cũng không quá dư dả, 953 triệu đồng cũng có phần hơi gắng gượng. Lỡ giảm trước bạ mà đại lý lại cắt khuyến mãi thì cũng bằng thừa, giá lăn bánh vẫn ở mức 953 triệu đồng thì tốt còn nếu cao hơn thì mình lại là người thiệt".
Đó cũng không phải là câu chuyện riêng của trường hợp đại lý trên mà tình hình kinh doanh tại nhiều showroom khác cũng vậy. Đối với các dòng xe đang có khuyến mãi lớn nhằm giải phóng hàng tồn, các tư vấn bán hàng cũng mong khách có thể chốt luôn, một phần để chạy doanh số sau hai tháng đầu năm có phần ảm đạm.
Cầu tăng, khuyến mãi giảm
Việc đại lý cắt giảm khuyến mãi sau Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước thực tế đã từng xảy ra ở hai lần hỗ trợ trước.
Ở cuối tháng 11/2021 sau khi có thông tin lệ phí trước bạ đối với các xe CKD chính thức được giảm 50% từ ngày 1/12/2021 - 31/5/2022, nhiều đại lý của Hyundai hay Toyota đồng loạt cắt giảm chương trình ưu đãi.
Ví dụ như Hyundai Accent ở đầu tháng 11/2021 được giảm 15 - 20 triệu đồng tùy nơi nhưng đến cuối tháng lại bán đúng giá niêm yết. Toyota Vios ở thời điểm tương tự được giảm tới 50 triệu đồng nhưng sau khi có thông tin giảm trước bạ, mức ưu đãi "co" lại chỉ còn 30 - 40 triệu đồng.
Trước khi Chính phủ hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ, sức tiêu thụ của thị trường có phần yếu kém nên các hãng xe cũng như đại lý không thể không áp dụng các khuyến mãi lớn nhằm kích cầu mua bán.
Sau khi có thông tin giảm trước bạ, nhu cầu mua xe của người dùng tăng khiến nhà sản xuất và các showroom cảm thấy không còn cần phải tung ưu đãi lớn. Do đó, người dùng không thực sự được lợi khi lệ phí trước bạ của các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%.