Chiều mai (28/11), Báo Giao thông tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Hà Nội làm gì để xanh hoá xe buýt?"
Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh.
Giai đoạn đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Song, thực tế hiện nay, Hà Nội có tới 2.034 xe buýt trợ giá nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe CNG và 138 xe buýt điện đạt 13,6% toàn mạng. Trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên.
Còn lại 1.575 phương tiện đang sử dụng nhiên liệu diezel cần thay thế.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh cao gấp 2 - 4 lần so với xe buýt diezel là những khó khăn thách thức không nhỏ đến mục tiêu nói trên.
Làm gì để "xanh hoá" được tất cả phương tiện xe buýt trên địa bàn thành phố theo đúng lộ trình Chính phủ đặt ra là mục tiêu của buổi toạ đàm ngày mai (28/11) để các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp cùng thảo luận, đưa ra những định hướng, giải pháp cụ thể hơn cho những chặng đường tới đây.
Khách mời tham dự toạ đàm:
1. Ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển GTVT.
2. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội.
3. Ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội.
4. Ông Nguyễn Công Nhật - Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus.