Chỉ dẫn đường bộ

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến tai nạn giao thông, nhưng hầu như chúng ta chỉ quen với mệnh đề ý thức của người tham gia giao thông mà ít đề cập một cách rành rọt về những nguyên nhân khác.


Tôi đã cố gắng tìm kiếm trên trang điện tử của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, cũng như của các cơ quan khác về quản lý đường bộ Việt Nam, nhưng không thấy số liệu nào thống kê về số vụ tai nạn giao thông do thiếu sót về chỉ dẫn đường bộ tại Việt Nam. Mà chủ yếu các nguyên nhân được liệt kê do ý thức của những người điều khiển phương tiện, những người tham gia giao thông.


Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào một câu chuyện đó là, chỉ dẫn đường bộ ở nước ta đang tồn tại rất nhiều bất hợp lý về mặt logic. Và hơn thế, nó tiềm ẩn những yếu tố không an toàn cho những người tham gia giao thông.


Tôi cũng có cơ hội lái xe đi rất nhiều quốc gia, cả ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á và quan sát thấy, trên các tuyến cao tốc có một biển chỉ dẫn rất phổ biến, nhưng hầu như không có ở Việt Nam, đấy là cái biển “Phân làn theo đích đến”.


Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ví dụ, một con đường có 3 làn hoặc 2 làn, khi đi gần đến lối rẽ lối ra, thông thường sẽ chia rất rõ ràng, là làn ngoài cùng (bên phải) sẽ là làn bắt buộc phải rẽ phải. Và cách đó vài km, sẽ có chỉ dẫn rằng làn đó sẽ đi đâu, ví dụ rẽ đi Hải Phòng, ví dụ như rẽ đi sân bay Nội Bài…


Như vậy, nếu đi vào làn đó, sẽ giúp cho mọi người có được một sự chuẩn bị rất rõ ràng. Còn nếu họ ở làn ngoài, thì sẽ phải đợi đến lối ra tiếp theo, mới có thể rẽ ra khỏi cao tốc.


Tương tự như vậy, với những chỉ dẫn về địa danh, tôi đã đi nhiều ở Việt Nam và tôi thấy các biển chỉ dẫn địa danh ở các lối ra của cao tốc và cả trong các thành phố hoặc trước khi vào các thành phố của chúng ta đâu đó có sự lộn xộn và phi logic.


Đôi khi hệ thống biển chỉ dẫn của chúng ta có quá nhiều chữ mà chẳng để làm gì cả. Như ở trên cao tốc, bỗng dưng có một cây cầu bắc ngang qua, rồi có biển chỉ dẫn đặt bên đường có ghi “Điểm giao cắt…”. Thật ra, biển báo đó không liên quan gì đến những người đi trên đường cao tốc cả, nếu có thì là chỉ dẫn cho mọi người biết là sẽ có một cầu vượt.


Trong khi đó, trước lối ra cao tốc, có rất ít biển chỉ dẫn có ghi rõ ràng là lối ra tiếp theo đó sẽ dẫn chúng ta đi đâu. Và các biển chỉ dẫn trên giá long môn, thì lại được sử dụng để chỉ dẫn tốc độ hoặc hướng dẫn các loại phương tiện nào được đi trên mỗi làn, điều này thường ít xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới.


Và thực tế, có rất ít biển cảnh bảo trên cao tốc, quốc lộ của chúng ta mà nó có ý nghĩa thực sự, đủ để tác động đến người lái xe. Chúng ta đang không chỉ xây dựng một hệ thống cao tốc ngày một lớn, mà tốc độ lưu thông của phương tiện cũng đang tăng lên.


Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem lại và đánh giá một cách đầy đủ tác động của biển chỉ dẫn và cách tổ chức giao thông, chỉ dẫn đường bộ nó đã ảnh hưởng thế nào đến việc lưu thông cũng như sự an toàn trên các con đường.


Nên có một cơ quan chuyên trách để rà soát và làm cho các biển chỉ dẫn có thể giúp ích hơn cho người lái xe; và đồng thời cũng giảm tai nạn giao thông trên con đường cao tốc./.