"Phó mặc" cho chiếc VinFast VF 8 tự lái trên đường, chủ xe bị phạt thế nào?

Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao trước clip một chiếc VinFast VF 8 tự chạy trên cao tốc, trong khi vị trí ghế lái hoàn toàn không có người.

Liên quan đến sự việc, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với từng loại xe, người điều khiển phải đáp ứng điều kiện về sức khỏe, giấy phép lái xe và tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông.

Trong Luật giao thông đường bộ 2008 đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông đường bộ. Trong đó, hành vi thả tay lái khi điều khiển ô tô thuộc nhóm "Các hành vi vi phạm khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ".

Tuy nhiên, theo luật sư Trần Xuân Tiền, hiện nay pháp luật chưa có quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi thả tay lái khỏi vô-lăng cho ô tô tự chạy, mặc dù hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có thể gây ra các hậu quả đáng tiếc cho người lái cũng như những người xung quanh.

Tài xế VinFast VF 8 rời khỏi ghế lái, để xe tự chạy trên cao tốc - hành động đặc biệt nguy hiểm, độc giả không làm theo (Video: MXH GT).

Luật sư cho rằng, việc pháp luật chưa quy định chế tài xử phạt khiến hành vi thả tay lái khỏi vô-lăng ô tô gia tăng. Ngoài ra, khoa học - công nghệ phát triển, ngày càng nhiều dòng xe được trang bị hệ thống cảm biến và có chế độ hỗ trợ lái dẫn đến tình trạng tài xế phó mặc vào công nghệ để ô tô tự điều khiển mà không kiểm soát.

"Điều này không chỉ nguy hiểm đổi với người lái mà còn gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác", ông Tiền nhấn mạnh, đồng thời đề nghị pháp luật cần bổ sung quy định xử phạt về hành vi buông 2 tay khỏi vô-lăng để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.

Liên quan vụ việc tài xế VinFast VF8 rời ghế lái, kích hoạt tính năng hỗ trợ lái nâng cao (ADAS) để xe tự chạy trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, luật sư Trần Xuân Tiền phân tích các trường hợp.

Phó mặc cho chiếc VinFast VF 8 tự lái trên đường, chủ xe bị phạt thế nào? - 1

Ngày càng nhiều ô tô được trang bị công nghệ hỗ trợ lái nâng cao, tuy nhiên nó chưa phải là giải pháp lái xe tự động hoàn toàn nên chưa thể thay thế con người (Ảnh: VV).

Nếu tài xế gây tai nạn giao thông thiệt hại cho người khác nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người này sẽ bị xử phạt hành chính, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng và phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015.

Nếu tài xế gây tai nạn đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ căn cứ Điều 260 Bộ luật hình sự.

Theo đó, mức phạt thấp nhất đối với hành vi này là phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, mức phạt cao nhất bị phạt 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật dân sự hiện hành,

Nếu tài xế không gây tai nạn giao thông, thì vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP trong trường hợp vi phạm quy định của Luật an toàn giao thông đường bộ.