Tính đến ngày 8/3, cả nước có 63/281 trung tâm đăng kiểm đã bị tạm dừng hoạt động, do phục vụ hoạt động điều tra, không đủ điều kiện hoạt động theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP, hoặc tự đóng cửa.
Tại TPHCM hiện chỉ còn 10/19 và ở Hà Nội chỉ còn 6/31 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, khiến tình trạng ùn tắc đăng kiểm ngày càng nghiêm trọng, tăng áp lực lên các trung tâm kiểm định đang mở, nhất là trong bối cảnh thiếu nhân sự.
Tình trạng quá tải các trung tâm đăng kiểm đã khiến chủ ô tô phải xếp hàng cả ngày, thậm chí vài ngày, mới tới lượt, trong khi yêu cầu công việc của nhiều người không cho phép nghỉ nhiều trong giờ hành chính.
Có cầu thì có cung, trước cổng một số trung tâm đăng kiểm đã xuất hiện dịch vụ xếp hàng thuê cho các chủ ô tô quá bận hoặc không đủ kiên nhẫn chờ đợi, với chi phí dao động trong khoảng 1-2 triệu đồng/ngày đêm hoặc 200.000-500.000 đồng/đêm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có yêu cầu là người đưa xe đi đăng kiểm phải là chủ sở hữu ghi trên giấy đăng ký xe ô tô. Như vậy, người đưa xe đi đăng kiểm có thể là bất cứ ai, không phải thông báo và hoàn toàn không phạm luật.
Tuy nhiên, việc tìm đến các dịch vụ xếp hàng đăng kiểm hộ, đăng kiểm thuê tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
Nguy cơ mất tài sản
Thuê người xếp hàng chờ đăng kiểm là dịch vụ tự phát, không có sự quản lý của nhà nước, hầu hết chỉ là thỏa thuận miệng giữa hai bên, nên khi xảy ra sự cố thì việc giải quyết sẽ rất phức tạp, thiệt thòi nghiêng nhiều về phía chủ xe. Rủi ro nhỏ là mất tài sản để trên xe và rủi ro lớn nhất là mất luôn xe.
Để phòng nguy cơ này, nhiều chủ xe thông qua người quen tìm đến các tài xế taxi hoặc xe dịch vụ để thuê xếp hàng chờ đăng kiểm. Tuy nhiên, ngay cả như vậy cũng không có gì đảm bảo an toàn tuyệt đối về tài sản.
Nguy cơ gặp rắc rối về pháp lý
Với dịch vụ đăng kiểm trọn gói, "chìa khóa trao tay", chủ xe có nguy cơ phải chịu trách nhiệm liên đới nếu không may chiếc xe giao cho người khác đi đăng kiểm gây tai nạn giao thông. Thậm chí, ô tô có thể được giao cho người chưa đủ điều kiện điều khiển (chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe). Đây là việc làm vi phạm quy định pháp luật và có nguy cơ bị xử phạt nặng nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã nghiêm cấm hành vi "giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ".
Nếu giao xe ô tô hoặc để cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông, thì chủ xe có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng lên đến 6.000.000 đồng nếu là cá nhân hoặc từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 nếu là tổ chức, theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.
Để tránh phải đi lại nhiều lần, giảm thời gian chờ đợi, các chủ ô tô cần chủ động kiểm tra và bảo dưỡng xe, tra cứu và nộp phạt nguội để tránh phải quay đầu đi khắc phục những chỉ tiêu không đạt.
Chủ phương tiện cũng nên chủ động tìm hiểu thông tin về việc đăng ký trực tuyến và tình trạng hoạt động của trung tâm đăng kiểm mà mình định đến để tránh mất thời gian. Nếu có điều kiện, chủ xe có thể tính đến phương án di chuyển sang các tỉnh khác vắng hơn để kiểm định, giảm tải cho các đơn vị đăng kiểm ở Hà Nội và TPHCM.