Theo báo cáo của Bộ GTVT gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đăng kiểm.
Theo đó, Bộ GTVT tập trung rà soát các vấn đề vướng mắc, khó khăn về đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong quy định của pháp luật về đăng kiểm; rà soát đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước về đăng kiểm.
Tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Cục Đăng kiểm VN, các quy định về điều kiện kinh doanh, các thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành.
Đến nay, Bộ GTVT đã rà soát, nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành 3 Nghị định, 19 Thông tư (6 Thông tư về đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đường bộ, 5 Thông tư về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và tàu biển, 2 Thông tư về đăng kiểm phương tiện đường sắt, 6 Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ngoài ra, đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện 21 Thông tư liên quan đến công tác đăng kiểm.
Đây là giai đoạn mà khối lượng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đăng kiểm được rà soát, hoàn thiện là rất lớn và phức tạp; nhiều chính sách có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới và đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
"Việc ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Mặt khác, cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực đăng kiểm nói riêng, giao thông vận tải nói chung", Bộ GTVT nhấn mạnh.
Triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, Bộ GTVT đang tập trung, khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật, gồm Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, niên hạn sử dụng đối với xe cơ giới; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp và 7 Thông tư liên quan.
Theo Bộ GTVT, công tác kiểm định phương tiện giao thông là dịch vụ công rất quan trọng, bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông, tính mạng của người dân, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật, trình độ và thuộc trách nhiệm của Nhà nước.
Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quan quản lý Nhà nước, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân.
Ngày 8/3/2023, tại cuộc họp nghe báo cáo về công tác đăng kiểm phương tiện giao thông và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tình hình hiện nay, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo giao Bộ GTVT về lâu dài, chủ trì phối hợp với Bộ Công an để xem xét phương thức tách bạch công tác quản lý và hoạt động dịch vụ công của các trung tâm kiểm định.
Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ngày 19/5/2023, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo, kiến nghị cho phép xây dựng Đề án "Đổi mới công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm".
Để tiếp tục thực hiện tách chức năng quản lý Nhà nước với cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm làm cơ sở để kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của Cục Đăng kiểm VN, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai thực hiện.
Trong đó tập trung: Phân định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đăng kiểm với chức năng tổ chức cung ứng dịch vụ đăng kiểm tại các cơ quan trực thuộc Cục; Sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trực thuộc Cục để đảm bảo tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với cung cấp dịch vụ công lĩnh vực đăng kiểm.
Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo Cục Đăng kiểm VN nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện Đề án.
Đến nay, Cục Đăng kiểm VN đã hoàn thiện và có tờ trình số 3198/TTr-ĐKVN ngày 9/9/2024 trình Bộ GTVT về việc sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức tham mưu, giúp việc và các đơn vị trực thuộc, tách chức năng quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của Cục Đăng kiểm VN. Hiện, Bộ GTVT đang tiếp tục chỉ đạo Cục Đăng kiểm VN hoàn thiện Đề án để xem xét, quyết định.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện Cục Đăng kiểm VN có 13 tổ chức tham mưu, giúp việc Cục trưởng và 37 đơn vị trực thuộc. Cơ chế quản lý tài chính của Cục đang áp dụng theo mô hình Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc cơ quan Cục.
Với cơ chế trên, một số phòng tham mưu, giúp việc Cục trưởng vừa thực hiện công tác quản lý Nhà nước, đồng thời thực hiện dịch vụ kiểm định phương tiện. Trong khi đó, các đơn vị trực thuộc (chi cục, trung tâm đăng kiểm) cũng thực hiện hoạt động kiểm định phương tiện GTVT và công trình biển. Mọi hoạt động, nhân sự, tài chính của các đơn vị trực thuộc đều phụ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.