Với việc được giảm 50% lệ phí trước bạ kể từ ngày 1/12, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang có nhiều lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Quy định này ngoài mục đích hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước, kích cầu thị trường còn được dự đoán sẽ mở ra cuộc đua giữa xe nội với xe nhập khẩu và người mua xe sẽ được hưởng lợi.
Chen chân làm thủ tục đăng ký xe
Ngày đầu tiên áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (1/12), những tưởng các đại lý ô tô phải chật kín khách. Tuy nhiên, thực tế diễn ra trái ngược bởi sự vắng vẻ lạ thường.
Tuy nhiên, khung cảnh đó không phản ánh sự sôi động của thị trường. Trao đổi với phóng viên, nhân viên và lãnh đạo các đại lý cho biết, gần như các hoạt động giao dịch trong ngày 1/12 đang diễn ra bên ngoài đại lý.
“Giới kinh doanh và sản xuất ô tô kỳ vọng chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ dành cho xe sản xuất, lắp ráp sẽ giúp thị trường ô tô Việt Nam khởi sắc trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt đối với xe nội. Chắc chắn thị trường xe sản xuất lắp ráp trong nước những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, cũng cần phải theo dõi để xem sức mua của người dân ra sao.
Ông Lê Văn Vệ,
Trưởng khối Đối ngoại Công ty Honda Việt Nam”
Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc VinFast Thăng Long (68 Trịnh Văn Bô, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Trước ngày 1/12, đại lý tồn hàng trăm xe đã ký hợp đồng chờ ngày chính thức áp dụng mức lệ phí trước bạ mới. Vì thế sáng 1/12, gần như toàn bộ nhân viên phải tập trung tại chi cục thuế, trung tâm đăng kiểm và đăng ký để làm các thủ tục cho khách. Khách thì giục đại lý đi nộp phí trước bạ, nhân viên đại lý thì giục khách đi bấm biển để giải phóng bãi xe hiện đã chật kín”, ông Vinh nói.
Nhân viên đại lý Toyota Thăng Long cũng cho biết, nhiều khách hàng lo ngại sẽ bị đại lý cắt giảm ưu đãi khi Chính phủ giảm phí trước bạ nên đã tập trung mua xe vào những ngày cuối cùng của tháng 11 để được hưởng mức giá tốt và chờ giảm phí trước bạ. Thực tế cho thấy, đây là một nhận định hợp lý.
Trái ngược với khung cảnh vắng vẻ tại các đại lý, theo ghi nhận của PV sáng 1 và 2/12, tại các điểm nộp thuế và đăng ký xe ở một số địa phương trên toàn quốc đều trong tình trạng đông đúc, chật kín người.
Thậm chí để giảm bớt thời gian chờ đợi, nhiều người đã thực hiện kê khai thuế online.
Ước tính, tại điểm đăng ký xe số 2 trên đường Láng (Hà Nội) sáng 1/12 có hàng trăm người đến làm thủ tục. Theo nhiều nhân viên tư vấn bán hàng, buổi chiều còn đông hơn do lượng khách nộp thuế vào buổi sáng dồn đến buổi chiều để bấm biển.
“Lượng người truy cập quá đông đã khiến Cổng dịch vụ công Quốc gia cũng như cổng dịch vụ của các ngân hàng thương mại bị quá tải. Đến 10h sáng 1/12, nhiều người không thể truy cập để thực hiện kê khai thuế online mà phải kê khai bằng giấy tại các chi cục thuế”, một nhân viên đại lý VinFast đi đăng ký xe cho khách cho biết.
Xe nội rộng cửa tăng vọt doanh số
Ông Vũ Hồng Chinh, Giám đốc Đại lý Mitsubishi An Dân (đường Nguyễn Văn Linh, Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Tháng trước đại lý xuất được chừng 100 xe thì tháng 11 vừa rồi đã ký được 180 xe, tăng 40%. Đa số khách hàng chuyển hướng sang xe lắp ráp trong nước. Như với chiếc Outlander giá khoảng 800 triệu đồng nếu đăng ký thời điểm này sẽ tiết kiệm được khoản tiền từ 40 - 50 triệu đồng/xe. Đây là con số đáng để khách hàng bõ công chờ đợi trong cả tháng qua”, ông Chinh nói.
Nói về sức cạnh tranh của xe lắp ráp so với xe nhập khẩu nhờ giảm phí trước bạ, ông Chinh cho hay, trong cùng một phân khúc, lượng lớn khách hàng chuyển sang mua xe lắp ráp bởi chất lượng hiện tại không có sự chênh lệch.
Ông Nguyễn Thế Vinh cũng nhận định, doanh số bán xe lắp ráp từ nay đến Tết sẽ tăng vọt, một phần là do nhu cầu mua xe cá nhân để đi lại, đảm bảo an toàn phòng tránh dịch, một phần là lãi suất ngân hàng đang tương đối dễ chịu so với những năm trước.
“Việc giảm phí trước bạ sẽ là đòn bẩy quan trọng để doanh số xe nội bùng nổ”, ông Vinh nhận định.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, việc có tăng trưởng doanh số ô tô sau khi được giảm 50% lệ phí trước bạ hay không còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế: “Có tiền người dân mới mua xe. Về lý thuyết, khi giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp, doanh số dòng xe này sẽ bứt phá hơn so với xe nhập khẩu. Tuy nhiên tăng đến đâu thì vẫn phải theo dõi tiếp”.
Theo ông Hiếu, năm ngoái, chính sách giảm phí trước bạ cũng đã được áp dụng. Tuy nhiên trong 6 tháng của năm 2020, mức tăng của thị trường cũng không nhiều và chỉ thực sự bứt phá vào 3 tháng cuối năm.
“Năm nay bức tranh lại khác vì ai muốn mua xe đi Tết mới xuống tiền mua xe ở thời điểm này chứ không phải “chạy” chính sách như năm ngoái, bởi quy định giảm lệ phí trước bạ còn kéo dài. Ngoài ra, nói về ưu thế của xe nội so với xe nhập sau được giảm 50% lệ phí trước bạ cũng rất khó. Bởi thực tế hiện nay nhiều mẫu xe nhập khẩu đã bắt đầu gia tăng các ưu đãi để cạnh tranh với xe lắp ráp”, ông Hiếu phân tích thêm.
Tuy nhiên, một chuyên gia am hiểu về thị trường ô tô vẫn tiên đoán về bức tranh sáng sủa cho xe nội. Theo đó, sau khi được giảm 50% lệ phí trước bạ, doanh số thị trường xe nội sẽ tăng khoảng 40% trong tháng 12/2021 và 50% trong tháng tiếp theo.
Lý do, Tết Âm lịch sẽ trùng với tháng 1/2022, nên các đại lý ô tô chỉ có gần 2 tháng làm việc. Sở dĩ hai tháng này có sự tăng trưởng mạnh bởi rất nhiều trường hợp đặt cọc, mua xe trước khi được giảm phí trước bạ và chờ đến ngày 1/12 mới mang xe đi đăng ký.
Do chính sách kéo dài 6 tháng nên 2 tháng đầu chỉ giải quyết tình trạng khách hàng mua xe chưa đăng ký bị tồn đọng, trong khi đó nhu cầu mua xe dịp cuối năm sẽ khiến doanh số tăng vọt. Những tháng sau đó, khách hàng sẽ “đủng đỉnh” hơn.
Cũng theo chuyên gia này, việc các hãng xe nhập tăng ưu đãi, giảm giá xe để cạnh tranh với xe nội là tất yếu, nhất là khi năm 2021 sắp qua đi, các hãng buộc phải xả kho để đẩy hàng tồn năm 2021, đón xe năm 2022.