Cân đối hơn 9 triệu m3 cát đắp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Theo báo cáo vừa được Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai các dự án đường bộ cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau (gồm hai dự án thành phần: Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) khoảng hơn 18 triệu m3.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau tích cực phối hợp với địa phương nghiên cứu vị trí khai thác, đảm bảo vật liệu cát đắp nền cho dự án (Ảnh: VnExpress).
Trong đó, năm 2023 cần 9,1 triệu m3. Năm 2024 cần 9 triệu m3. Hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng cho thấy, nguồn cát đảm bảo chất lượng chủ yếu tập trung tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, tính đến nay, tỉnh An Giang đã có văn bản cung cấp 1,1 triệu m3 cát cho dự án từ các mỏ đang khai thác. Các nhà thầu đang làm thủ tục ký hợp đồng với các chủ mỏ, dự kiến ngày 10/7/2023 sẽ bắt đầu cung cấp cát.
“
Theo Bộ GTVT, để bảo đảm kế hoạch thi công, giải ngân nguồn vốn đã bố trí cho dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung triển khai thi công các hạng mục cầu, các công trình không phụ thuộc nguồn vật liệu cát đắp nền.
Đến nay, các nhà thầu đã chủ động mua 0,5 triệu m3 từ nguồn cát thương mại cùng gần 0,4 triệu m3 cát đã được tỉnh Đồng Tháp cung cấp để triển khai thi công hệ thống đường công vụ, tập trung đào bóc hữu cơ.
”
Đối với hơn 2,2 triệu m3 cát còn lại của năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) tỉnh An Giang đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất lấy từ các mỏ đang khai thác, UBND tỉnh đang xem xét để quyết định.
Riêng 3,7 triệu m3 cần cung cấp cho dự án trong năm 2024, hiện UBND tỉnh An Giang chưa có phương án cung cấp.
Đối với tỉnh Đồng Tháp, hiện tại, tỉnh này đã có văn bản thống nhất cấp đủ cho dự án 7 triệu m3.
Trong đó, khối lượng đã cấp cho dự án đạt gần 0,4 triệu m3 từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác và sẽ tiếp tục cấp 0,5 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác.
Theo Bộ GTVT, hiện nay, các nhà thầu đang phối hợp với các cơ quan của địa phương hoàn thiện thủ tục khai thác mỏ mới, dự kiến có thể khai thác vào đầu tháng 10/2023.
Tại tỉnh Vĩnh Long, qua kết quả khảo sát cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 mỏ với trữ lượng khoảng 5 triệu m3, đảm bảo chất lượng yêu cầu.
Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh đề xuất giao hai mỏ có trữ lượng khoảng 1,8 triệu m3 cho dự án. Hai mỏ còn lại đang được Sở TN&MT xem xét, trình tỉnh Vĩnh Long quyết định giao cho nhà thầu khai thác. Dự kiến việc cấp phép và khai thác mỏ vật liệu có thể thực hiện trong tháng 10/2023.
“Như vậy, tính đến nay, các tỉnh đã bố trí cho dự án được gần 1,5 triệu m3 cát đắp. Nếu tiếp tục quyết định cung cấp cát từ các mỏ đang khai thác cho dự án (An Giang 2,2 triệu m3, Đồng Tháp 0,5 triệu m3) sẽ có thêm 2,7 triệu m3, đủ điều kiện để triển khai thi công đến hết tháng 9/2023.
Đến tháng 10/2023, khi tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp hoàn thành các thủ tục cấp mỏ mới sẽ đảm bảo nhu cầu 9,1 triệu m3 trong năm 2023”, Bộ GTVT nhận định.
Nhiều địa phương cũng đang rốt ráo phối hợp, cân đối đủ nguồn cát đắp cho các dự án cao tốc trục ngang mới khởi công (Ảnh minh họa: Thanh Mong).
Rốt ráo bố trí vật liệu cho cao tốc trục ngang
Liên quan đến nguồn cung vật liệu cho tuyến cao tốc trục ngang mới được khởi công là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bộ GTVT cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng gần 29 triệu m3.
Trong đó, năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần hơn 13 triệu m3, năm 2025 cần gần 9 triệu m3.
Cụ thể, dự án thành phần 1 (An Giang) có tổng nhu cầu vật liệu hơn 9 triệu m3, riêng năm 2023 cần gần 3 triệu m3. Thời điểm này, tỉnh An Giang đã bố trí 3,1 triệu m3 từ 5 mỏ đang khai thác, đủ nhu cầu năm 2023 và sẽ tiếp tục bố trí đủ nguồn cung cấp cho dự án từ các mỏ trong tỉnh.
Đối với dự án thành phần 2, tổng nhu cầu cát đắp khoảng gần 5 triệu m3 (riêng năm 2023 cần khoảng 0,5 triệu m3); Dự án thành phần 3 cần hơn 7 triệu m3 (nhu cầu năm 2023 khoảng gần 2 triệu m3).
Hiện nay, UBND thành phố Cần Thơ, UBND tỉnh Hậu Giang đã làm việc với UBND tỉnh An Giang và thống nhất, tỉnh An Giang cung cấp cho các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ khoảng 7,5 triệu m3 từ mỏ Bình Phước Xuân và nhánh Cù lao Tây.
Các địa phương đang phối hợp để thống nhất về phương án, thủ tục giao mỏ cho nhà thầu triển khai các thủ tục để khai thác vật liệu đắp cho hai dự án thành phần.
“Tại dự án thành phần 4, tổng nhu cầu cát đắp nền được tính toán cần gần 7,6 triệu m3 (năm 2023 cần hơn 1m5 triệu m3). Tỉnh Sóc Trăng đã có phương án bố trí các mỏ trên địa bàn để cung cấp đủ cát cho dự án”, Bộ GTVT cho hay.
Về vật liệu cát đắp cho dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, theo Bộ GTVT, dự án thành phần 1 có tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng hơn 2 triệu m3 (năm 2023 là 0,56 triệu m3). Tỉnh Đồng Tháp đã cân đối đủ nguồn cát cho dự án.
Với dự án thành phần 2, nhu cầu cát đắp cần khoảng 1,33 triệu m3 (riêng năm 2023 cần 0,3 triệu m3), tỉnh Tiền Giang đã làm việc và được tỉnh Đồng Tháp thống nhất cân đối bố trí đủ nguồn cát cho dự án.