Sự khác nhau giữa biển báo R.412 và R.415

Câu hỏi: Đi sai biển R.412 và R.415 đều phạm lỗi sai làn?

Luật sư tư vấn: Theo Quy chuẩn 41/2019, biển R.412 và R.415 là biển báo hiệu lệnh. Nhóm biển hiệu lệnh là nhóm biển để báo các hiệu lệnh phải chấp hành. Người tham gia giao thông phải chấp hành các hiệu lệnh trên biển báo, trừ một số biển đặc biệt.

Biển R.412: Làn đường dành riêng cho từng loại xe hoặc nhóm xe

Biển R.412 trên cầu Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Phương Sơn

Biển R.412 trên cầu Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Phương Sơn

Để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe hoặc nhóm xe riêng biệt, đặt biển số R.412. Tùy loại phương tiện, nhóm phương tiện mà bố trí hình vẽ, biểu tượng xe và mũi tên trên biển cho phù hợp với đảm bảo mỹ quan. Các loại xe khác không được đi vào làn đường có đặt biển này (trừ các xe được quyền ưu tiên theo quy định).

Riêng biển làn đường dành cho xe buýt, nếu vạch sơn phân làn có dạng nét đứt, các xe khác có thể đi vào làn xe này nhưng phải ưu tiên cho xe buýt (phải nhường đường, chuyển sang làn khác để không ảnh hưởng đến việc vận hành xe buýt). Trường hợp vạch sơn phân làn dành cho xe buýt là nét liền, các phương tiện khác không được đi vào làn đường dành cho xe buýt.

Khi đến gần nơi đường bộ giao nhau, xe được phép chuyển làn để đi theo hành trình mong muốn. Việc chuyển làn phải thực hiện theo đúng các quy định.

Biển R.415: Biển gộp làn đường theo phương tiện

Biển R.415 trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Võ Hải

Biển R.415 trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Võ Hải

Để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết số lượng làn đường và loại xe được phép lưu thông trên từng làn đường theo quy định, đặt biển số R.415a "Biển gộp làn đường theo phương tiện". Tùy theo tình hình thực tế về số lượng làn đường và phương án tổ chức giao thông mà sử dụng các ký hiệu phương tiện trên các làn cho phù hợp. Biển không áp dụng với các xe chuyển làn để ra vào hoặc dừng, đỗ bên đường. Căn cứ vào vạch sơn thực tế trên đường để thực hiện việc chuyển làn cho phù hợp giữa các làn được phép lưu thông.

Khi đến gần nơi đường bộ giao nhau, xe được phép chuyển làn để đi theo hành trình mong muốn. Việc chuyển làn phải thực hiện theo đúng các quy định.

Biển này chỉ áp dụng với những đoạn đường có 2-4 làn đường cơ giới cho mỗi hướng lưu thông.

Phân biệt hai biển

Như vậy, hai loại biển báo này đều liên quan đến quy định về sử dụng làn đường trên đường bộ. Sự khác biệt chính giữa R.412 và R.415 là trong cách chúng định hình việc sử dụng làn đường trên đường bộ. Nếu biển R.412 chỉ định rõ ràng các làn đường dành riêng cho từng loại phương tiện, thì biển R.415 cho phép sử dụng chung làn đường cho nhiều loại phương tiện.

Do đó, trong cả hai trường hợp vi phạm biển báo R.412 và R.415, thì đều xác định là vi phạm quy định về sử dụng làn đường. Mức xử phạt quy định tại Nghị định 123/2021 như sau:

Đối với xe máy, phạt tiền 400.000-600.000 đồng nếu người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đi không đúng phần đường, làn đường quy định; Phạt tiền 4-5 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2-4 tháng nếu người lái xe môtô, xe gắn máy và xe máy điện đi không đúng làn đường, phần đường mà gây tai nạn giao thông.

Đối với xe ôtô phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với lái xe không đúng phần đường, làn đường quy định; Phạt tiền 10-12 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2-4 tháng nếu gây tai nạn giao thông.

Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng, phạt tiền 400.000-600.000 đồng đối với người điểu khiển xe đi không đúng phần đường, làn đường quy định; Phạt tiền 6-8 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 2-4 tháng nếu gây tai nạn giao thông.

Luật sư Đặng Thành Chung
Đoàn luật sư Hà Nội