Xác định xe cũ bị tua công-tơ-mét (odo) không dễ, quan sát chi tiết hao mòn, tìm hiểu lịch bảo dưỡng có thể giúp người mua nhận biết rõ hơn.
Tình trạng mua xe cũ nhưng mức odo (odometer - quãng đường lăn bánh thực tế) bị tua ngược, khiến xe đi nhiều trở thành xe đi ít là một vấn đề không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở một số khu vực khác trên thế giới. Những chiếc xe này thường được tua (giảm) odo thấp hơn so với thực tế, đồng thời nội thất được tân trang, các chi tiết hao mòn được thay thế, khiến xe trông như một chiếc xe dùng ít.
Khi mua phải những mẫu xe này, tài xế sẽ gặp nhiều rủi ro không chỉ là bị "hớ" vì mua xe không đúng với quảng cáo, mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề an toàn của xe như các chi tiết máy, động cơ hao mòn, các chức năng trên xe xuống cấp theo thời gian...
Thông thường, các xe cũ phải được đại tu, bảo dưỡng lớn sau một thời gian dài hoạt động, thông thường là 100.000-200.000 km, nếu mua phải xe đã bị tua odo xuống chỉ còn 50.000 km, khách hàng có thể chủ quan không thực hiện những mốc bảo dưỡng lớn đúng với khuyến cáo, khiến xe càng xuống cấp.
Để phát hiện ra mẫu xe cũ đã bị tua odo không đơn giản, vì các chi tiết ngoại thất, nội thất bị phai màu, hư hại theo thời gian như da ghế, sơn, vỏ, chóa đèn có thể được tân trang, thay thế dễ dàng. Có những cách thức giúp khách hàng có thể phát hiện xe đã tua odo, theo lời khuyên của các chuyên gia.
Theo dõi quãng đường di chuyển và thời gian sử dụng
Thông thường một mẫu xe sử dụng cho cá nhân, gia đình sẽ dao động khoảng 10.000-20.000 km mỗi năm, xe dịch vụ sẽ cao hơn khoảng 3-4 lần con số này. Nếu xe được quảng cáo là xe chạy dịch vụ, đời xe cao nhưng số km di chuyển lại ngắn hơn ước tính, rất có thể xe đã bị tua odo, khiến xe "mới" hơn so với thực tế. Do đó, cần cân nhắc kỹ hơn đối với trường hợp sai lệch về quãng đường di chuyển và thời gian sử dụng xe.
Yêu cầu lịch sử bảo dưỡng, sửa chữa
Xe luôn cần bảo dưỡng một cách đều đặn để có thể vận hành một cách tối ưu. Dù bảo dưỡng ở các xưởng chính hãng hay xưởng ngoài, xe đều được ghi nhận tình trạng hiện tại, bao gồm cả các thông tin về xe như số khung, số máy, số km đã di chuyển tại thời điểm tiếp nhận bảo dưỡng.
Chủ cũ có thể sẽ giữ các hóa đơn bảo dưỡng này lại, dưới dạng văn bản hoặc ảnh chụp, khách hàng nên yêu cầu được cung cấp khi chọn mua xe cũ, với lịch bảo dưỡng cùng số km đã di chuyển được thể hiện đầy đủ theo trình tự thời gian. Một chiếc xe không có lịch bảo dưỡng rõ ràng sẽ có nhiều rủi ro bị tua odo hơn những mẫu xe có lịch bảo dưỡng đầy đủ.
Quan sát các chi tiết hao mòn tự nhiên
Các chi tiết hao mòn tự nhiên trên xe mà người tiêu dùng nên chú ý khi chọn mua xe mới bao gồm chân côn/ga/phanh, vô-lăng, cần số, ghế, các nút chức năng, thảm sàn. Đây là những vị trí hao mòn theo thời gian như da ghế rạn nứt, nhăn, bề mặt bàn đạp mòn, da ghế/vô-lăng sờn, thảm sàn cũ, hay các nút chức năng bị phai. Nếu lựa chọn xe đã mua lâu, ít sử dụng nhưng các chi tiết này được thay mới hoàn toàn, rất có thể xe đã bị tua odo để "tân trang" thành xe đi ít.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyên khách hàng nên kiểm tra tình trạng ống pô của xe. Xe đã sử dụng lâu, phần ống pô thường bị gỉ, oxy hóa, không còn sáng bóng vì bộ phận này thường bằng kim loại, nằm sát dưới mặt đường và phải chịu nhiệt độ cao trong thời gian dài, nên dễ hao mòn hơn các bộ phận khác. Nếu xe có odo thấp nhưng phần pô đã hoen gỉ, khách hàng nên đặt nghi vấn xe đã bị tua odo.
Quan sát các điểm bất thường trên xe
Nếu xe sử dụng đồng hồ odo cơ, nên kiểm tra các dấu hiệu odo đã bị sửa bao gồm phần mặt đồng hồ bị trầy xước, bám dấu tay, các ngàm, ốc xung quanh đồng hồ lỏng lẻo, có dấu hiệu bị mở, đồng hồ được thay mới, các con số trên đồng hồ odo bị trầy xước. Nếu xe sử dụng đồng hồ điện tử, sẽ khó hơn để xác định nhanh mức odo thực tế một cách chính xác nhất, mà chỉ có thể kiểm tra bằng công cụ, máy móc và phần mềm riêng biệt.
Những dấu hiệu nhận biết trên không phải để kết luận xe có bị tua odo hay không, mà chỉ để giúp khách hàng nhận biết mẫu xe họ sắp mua có khả năng cao bị tua. Do đó, nếu phát hiện những dấu hiệu này, bước tiếp theo nên làm là kiểm tra kỹ hơn tại các cơ sở dịch vụ chính hãng, nơi có những công cụ, máy móc để kiểm tra toàn diện tình trạng xe, với một mức phí từ 500.000-1.000.000 đồng tùy vào dòng xe, những mẫu xe cao cấp có thể cao hơn. Tuy nhiên đây là mức phí nên chi khi mua xe cũ, nhằm hạn chế tối đa rủi ro mua phải xe đã bị tua odo xuống thấp hơn nhiều lần mức thực tế.
Phạm Hải