Đạp nhầm chân ga ô tô là một trong những lỗi khá phổ biến đối với người điều khiển phương tiện bốn bánh khi tham gia giao thông, đặc biệt là ở nữ giới và các "lái mới". Thực tế này hoàn toàn dễ hiểu bởi vị trí của bàn đạp ga và phanh nằm cạnh nhau nên khó tránh khỏi những nhầm lẫn giữa 2 bộ phận này.
Vậy đâu là những nguyên nhân khiến tài xế dễ đạp nhầm chân ga trên ô tô và cách khắc phục như thế nào cho hiệu quả?
Theo chia sẻ từ các bác tài có kinh nghiệm lái xe, việc đạp nhầm chân phanh và ga thường xảy ra khi tài xế ở trong trạng thái không tỉnh táo, sử dụng chất kích thích (ma túy, rượu, bia…). Thiếu tập trung khi lái xe, vừa điều khiển vô-lăng vừa xem điện thoại, tô son... khiến tài xế dễ bị mất bình tĩnh hay hoảng loạn khi gặp những tình huống bất ngờ xảy ra trên đường. Lúc này, tâm lý người cầm lái không vững, dễ dẫn đến những phản xạ ngoài ý muốn và gây nên những hậu quả đáng tiếc.
Thiếu tập trung khi điều khiển ô tô là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc dễ đạp nhầm chân ga
Việc điều khiển một chiếc xe lạ hay mới chuyển từ xe số sàn lên số tự động cũng khiến tài xế dễ bị nhầm giữa chân ga và chân phanh. Nếu ở xe số sàn, xe thường khó vọt nhanh khi đạp nhầm chân phanh vì có chân côn. Lúc này thao tác đạp phanh thường được thực hiện đồng thời cùng đạp côn nên nếu nhầm lẫn xảy ra, động cơ rú lên chứ xe không lao nhanh hơn dễ dẫn đến mất kiếm kiểm soát như trên xe số tự động.
Trong lúc dừng, đỗ xe, nếu tài xế quên chưa gạt cần số, vẫn để ở chế độ D sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm khi xê dịch vị trí ngồi hoặc rời chân phanh. Thậm chí, tài xế còn dễ rơi vào thế bị động, dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc khi có những tình huống bất ngờ cần xử lý.
Việc ngồi lên xe và di chuyển khi chưa chỉnh vị trí ghế lái phù hợp với tư thế ngồi để tạo ra sự thoải mái cũng vô tình ảnh hưởng đến quá trình đạp phanh.
Ngoài ra, khi dừng chờ đèn đỏ hoặc đỗ xe tạm thời, tài xế có thể quên không đổi chân ga sang chân phanh. Do đó, khi có sự cố xảy ra thường theo phản xạ tự nhiên dậm chân phanh nhưng lúc này chân chờ lại đang đặt trên bàn đạp ga. Một chi tiết nhỏ thôi nhưng nếu không để ý cũng dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Trên thực tế, không hề có bất kỳ quy định nào về trang phục khi lái xe ô tô. Tuy nhiên, việc lựa chọn trang phục không phù hợp như giày cao gót hay những chiếc váy bồng xòe, dài chấm gót chân sẽ khiến trang phục bị kẹt vào bàn đạp trong những trường hợp bất ngờ xảy ra. Từ đó, dẫn đến lúng túng khi xử lý sự việc.
Nên dùng chân phải để điều khiển cả chân phanh và chân ga, đồng thời cần thành thạo các kỹ năng liên quan
Hệ thống chân ga và phanh được phân chức năng nhiệm vụ đối ngược nhau, do vậy tại một thời điểm thì chỉ nên một hệ thống hoạt động. Vì vậy, một chân sẽ đảm trách 2 nhiệm vụ là phù hợp với thói quen lái xe.
Đi cùng với đó là thành thạo các kỹ năng như: Gót chân phải luôn để ở vị trí thẳng bàn phanh khi lái xe ; Khi sử dụng ga thì xoay cổ chân sang phải để bàn chân nghiêng sang bàn đạp ga và khi sử dụng phanh thì xoay thẳng cổ chân hướng thẳng bàn chân vào phanh; Không sử dụng ga thì phải chuyển chân về vị trí phanh.
Đối với xe số sàn: chân trái điều khiển côn (bộ ly hợp), chân phải vừa điều khiển ga vừa điều khiển phanh;
Với xe số tự động: do không có côn nên chân phải sẽ làm như xe số sàn còn chân trái không làm gì.
Sự tập trung và bình tĩnh là điều hết sức trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Riêng với ô tô, ngay cả khi dừng đỗ, tài xế vẫn phải giữ tâm thế tập trung sau vô-lăng. Điều này sẽ giúp đảm bảo tính an toàn cao hơn cho cả bản thân cũng như những người xung quanh.
Ngoài ra, việc điều chỉnh tư thế ngồi đúng cách và trang phục phù hợp cũng sẽ góp phần hạn chế xảy ra lỗi đạp nhầm chân ga, gia tăng sự an toàn hơn.
Ảnh: Internet