Nguy cơ mất tiền tỷ, gặp rắc rối với pháp luật khi giao xe cho người khác

Nguy cơ mất tiền tỷ

Giao ô tô kèm theo chìa khóa cho người khác luôn tiềm ẩn rủi ro lớn nhất là hư hỏng, mất mát tài sản, nhưng nhiều chủ xe vẫn khá chủ quan, không lường trước rủi ro sẽ rơi vào mình.

Ví dụ gần đây nhất là trường hợp vợ chồng chị P. ở Nghệ An mang chiếc xe bán tải Ford Ranger của gia đình tới gara để rửa nhưng hôm sau đến lấy thì phát hiện xe nằm ở bãi rác trong tình trạng nổ lốp, vỡ đèn, móp quanh thân xe... Hiện tại, hai bên vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết.

Nguy cơ mất tiền tỷ, gặp rắc rối với pháp luật khi giao xe cho người khác - 1

Sau nhiều giờ tìm kiếm, gia đình chị P. tìm được chiếc xe ở một bãi rác trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng (Ảnh: P.P).

Nếu tự thỏa thuận được với chủ gara về việc đền bù, hoặc đưa sự việc ra cơ quan chức năng giải quyết, thì chủ xe nói trên có thể được bồi thường thiệt hại; tuy nhiên, đó vẫn là việc "thả gà ra đuổi". Vì vậy, nếu không thật sự cần thiết thì chủ ô tô nói chung không nên giao cả xe và chìa khóa, nhất là khi không có biên bản nhận xe.

Trường hợp nhân viên đại lý Volvo tại Hà Nội đâm hỏng siêu xe Ferrari khách gửi làm dịch vụ hồi giữa năm ngoái là một ví dụ khác. Theo đó, chủ một chiếc Ferrari 488 trị giá khoảng 23 tỷ đồng đã gửi xe tại đại lý Volvo để bảo dưỡng, nhưng trong quá trình chạy thử xe ngoài đường, nhân viên kỹ thuật đã tông xe vào hai cây xanh, vỡ toác đầu. Chi phí sửa chữa được ước tính lên tới hơn 6 tỷ đồng, trong khi xe không có bảo hiểm.

Nguy cơ mất tiền tỷ, gặp rắc rối với pháp luật khi giao xe cho người khác - 2

Chiếc siêu xe trị giá 23 tỷ đồng bị nát bét đầu sau cú va chạm cực mạnh vào gốc cây (Ảnh: Đình Quân).

Nguy cơ gặp rắc rối về pháp luật

Giao ô tô cho người chưa đủ điều kiện điều khiển (chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe) là việc tưởng chừng hiếm khi xảy ra, nhưng trên thực tế lại khá phổ biến. Thường gặp nhất hiện nay là tình huống chủ xe giao chìa khóa ô tô cho nhân viên cửa hàng rửa xe, hoặc nhân viên bảo vệ tại các nhà hàng, khách sạn dù không biết họ có đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông hay không.

Tại hầu hết các tiệm rửa ô tô,  chủ xe thường phải để lại chìa khóa để nhân viên đưa xe lên cầu hoặc đánh xe ra vào. Trong khi đó, khi gửi xe tại một số khách sạn, bến bãi và nhất là những nơi đông đúc, chủ xe cũng thường được yêu cầu giao chìa khóa cho nhân viên bảo vệ với lý do xếp xe. 

Việc này vẫn diễn ra hàng ngày ở khắp nơi và được nhiều người coi là bình thường, cho đến khi... xảy ra sự cố. Giao xe ô tô cho người chưa đủ điều kiện điều khiển là việc làm vi phạm quy định pháp luật và có nguy cơ bị xử phạt nặng nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo quy định tại Điều 58 và Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải thỏa mãn điều kiện về độ tuổi, sức khỏe và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển.

Trong khi đó, Khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã nghiêm cấm hành vi "giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ".

Nếu giao xe ô tô hoặc để cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông, thì chủ xe có thể bị phạt tiền 4-6 triệu đồng nếu là cá nhân hoặc 8-12 triệu đồng nếu là tổ chức, theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.

Nguy cơ mất tiền tỷ, gặp rắc rối với pháp luật khi giao xe cho người khác - 3

Chiếc Mercedes-Maybach S560 được chủ xe giao cho một nhân viên bảo vệ lái đã đâm hàng loạt xe máy rồi lao vào chốt bảo vệ hầm chung cư 6th Element vào sáng 27/5/2022 tại Hà Nội khiến một người bị thương (Ảnh: Tiến Mạnh).

Trong trường hợp có căn cứ xác định chủ xe biết rõ một người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông (không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định; không đủ các điều kiện khác) mà vẫn cho mượn và thiệt hại xảy ra đến mức nghiêm trọng thuộc các trường hợp quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Có cách nào phòng tránh?

Tốt nhất là không giao xe kèm chìa khóa cho người khác. Tuy nhiên, trên thực tế có những tình huống "bất khả kháng", bạn buộc phải giao lại chìa khóa khi gửi xe. Trong trường hợp đó, để không rơi vào cảnh "mất bò mới lo làm chuồng", chủ xe cần lưu ý một số điểm sau.

Thứ nhất, khi giao xe cho gara, xưởng sửa chữa xe, cần có giấy biên nhận khi bàn giao xe và chìa khóa, nêu rõ phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của người/đơn vị được bàn giao tài sản. Giấy tờ này cũng cần ghi rõ hoặc có ảnh chụp số công-tơ-mét, xác nhận tình trạng xe có xước xát hay hỏng hóc không, ghi nhận các hạng mục như logo, gương, cần gạt nước...

Tốt nhất, chủ xe nên dùng điện thoại chụp, quay lại tình trạng cả bên trong và bên ngoài xe để làm "bằng chứng". 

Thứ hai, khi gửi ô tô kèm theo chìa khóa hoặc khi đi rửa ô tô, chủ xe lưu ý không để tiền và các đồ có giá trị trên xe, phòng trường hợp xảy ra mất mát, hỏng hóc hay thất lạc. Thậm chí khi gửi xe đắt tiền, khách hàng có thể yêu cầu chủ bãi trông giữ xe dán niêm phong cửa xe.

Thứ ba, chủ xe nên lựa chọn các bãi gửi xe, gara có mái che, được trang bị hệ thống camera giám sát, cùng hệ thống phòng cháy chữa cháy để giảm thiểu rủi ro.