Từ 1/7 tới, xe kinh doanh vận tải buộc phải lắp camera giám sát nếu không sẽ bị phạt nặng. Lo sợ bị phạt, nhiều doanh nghiệp đang gấp rút thực hiện quy định này.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố đôn đốc thực hiện lắp camera trên phương tiện kinh doanh vận tải khách (trừ ô tô chở người dưới 9 chỗ), xe đầu kéo vận chuyển hàng hóa phải được lắp đặt camera giám sát xong trước ngày 1-7 theo lộ trình quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.
Theo Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ước tính có khoảng 200.000 xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo sẽ phải lắp camera để giám sát lái xe và hành khách.
Tổng cục Đường bộ cũng khuyến cáo các đơn vị lựa chọn camera chạy trên nền tảng di động 4G hoặc 5G để đảm bảo chất lượng hình ảnh, tránh lãng phí đầu tư, vì trong thời gian tới các nhà mạng viễn thông sẽ cắt sóng 2G.
Theo quy định, đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500 km. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách...
“Lợi đơn lợi kép” khi lắp camera giám sát
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, quy định lắp camera trên xe kinh doanh vận tải được xem là giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô, hạn chế tình trạng nhồi nhét khách và góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Việc trang bị camera lắp trên xe sẽ phát sinh một số chi phí nhất định cho việc đầu tư camera, duy trì đường truyền dữ liệu hình ảnh, phần mềm lưu trữ và phân tích dữ liệu tại máy chủ.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải bố trí kinh phí để xây dựng hạ tầng, phần mềm tiếp nhận, xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera, chi phí để duy trì, bảo trì và vận hành hệ thống.
Tuy nhiên, việc lắp đặt camera theo dõi, giám sát nhằm mục đích phát hiện các hành vi vi phạm của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; theo dõi, giám sát hoạt động đón, trả khách đối với xe khách nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho chính hành khách cũng như lái xe và góp phần tăng chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.
Ý thức được hiệu quả thực sự về mặt quản lý chất lượng dịch vụ cũng như việc đảm bảo an toàn giao thông, doanh nghiệp Anh Khoa (tuyến vận tải Thanh Hóa - Hà Nội) đã trang bị đồng loạt thiết bị camera giám sát hợp chuẩn theo quy định của Bộ GTVT cho 10 xe ô tô khách đang hoạt động trên tuyến.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà xe Anh Khoa đầu tư kinh phí để lắp đặt thiết bị camera giám sát cho đội xe của doanh nghiệp. Dù chi phí ban đầu khi lắp cho toàn bộ đầu xe không phải nhỏ nhưng so với lợi ích nó mang lại, ông Lê Đình Khoa - Giám đốc Công ty CP Vận tải Anh Khoa đánh giá: "Việc lắp đặt thiết bị camera giám sát đảm bảo lợi ích thiết thực của doanh nghiệp. Thông qua thiết bị này, bộ phận điều hành của Công ty có thể theo dõi được các thông số cần thiết của xe như tốc độ, đang chạy hay đang dừng đỗ, xe đang chạy chở khách có hay không bật máy điều hòa, số lượng khách trên mỗi chuyến xe... để từ đó có những cảnh báo, nhắc nhở và yêu cầu dừng vi phạm".
Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên, đơn vị có hơn 400 phương tiện kinh doanh vận tải cho biết: Hiện Công ty đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho một số phương tiện, trong đó chủ yếu là xe chạy tuyến đường dài. Tuy nhiên để lắp đặt đại trà thì Công ty rất khó thực hiện bởi một số xe chỉ đạt 30% công suất khai thác, thậm chí là không hoạt động.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt cho biết, công ty đã làm việc với nhà cung cấp dịch vụ để lên kế hoạch lắp đặt thiết bị cho các đầu xe, tuy nhiên mức chi phí cho hệ thống này là rất lớn nên doanh nghiệp sẽ "liệu cơm gắp mắm", chuẩn bị tốt phương án tài chính để việc đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất.
"Theo báo giá của các nhà cung cấp, bộ thiết bị này hiện có giá ước tính là 10 triệu đồng/xe. Với 100 đầu xe như quy mô của Sao Việt, chúng tôi dự kiến chi khoảng 1 tỷ đồng cho việc lắp đặt hệ thống giám sát thông minh ở trên xe. Hy vọng với sự đầu tư này, hành khách sẽ yên tâm về chất lượng dịch vụ khi lựa chọn hãng xe Sao Việt làm phương tiện di chuyển trên tuyến Hà Nội - Lào Cai", ông Bằng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, theo quy định tại Nghị định 10, toàn quốc có khoảng 100 nghìn xe khách từ 9 chỗ trở lên phải lắp camera giám sát. Đến thời điểm này, ngoài 20% doanh nghiệp đã lắp camera phục vụ nhu cầu quản lý của doanh nghiệp, số còn lại đều chưa thực hiện việc lắp đặt camera theo yêu cầu.
Xử phạt ‘kịch khung’ lên tới 12 triệu đồng
Theo Cục CSGT (Bộ Công an), hiện nay với tình hình giao thông ngày càng phức tạp, cơ sở hạ tầng phát triển không đáp ứng kịp so với sự gia tăng về số lượng phương tiện.
Camera hành trình còn được gọi là thiết bị giám sát hành trình hay camera giám sát hành trình là hệ thống camera giúp lưu trữ các thông tin ghi được trên suốt quá trình xe lăn bánh.
Ngoài ra, camera hành trình còn có khả năng quan sát xung quanh với góc quay rộng, hỗ trợ cho việc lái xe an toàn cũng như tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Đối với bất cứ phương tiện nào khi tham gia giao thông cũng cần phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Vì thế, việc sử dụng camera hành trình đối với những loại phương tiện phổ biến như ôtô, xe máy là điều hết sức cần thiết.
Ngày 17/1/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020 Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong đó quy định thời hạn đối với các xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo; ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trước ngày 1/7/2021 (camera giám sát).
Tại Khoản 6 Điều 28 Nghị định số 100/2019 ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như sau: Phạt tiền từ 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 -12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Sử dụng xe ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định;
Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ôtô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm.
Theo báo Giao thông
Tham khảo:
>>>Hyundai i10 và VinFast Fadil so kè trong phân khúc xe đô thị
>>>Kỹ thuật lái xe ô tô số tự động (AT) mà ai cũng cần phải nắm vững
>>>ABS có làm quãng đường phanh ngắn hơn?