“Cổ phiếu quốc dân” HPG giảm mạnh, từ công ty chứng khoán đến quỹ đầu tư, ngay cả doanh nghiệp “tay ngang” cũng đành ôm lỗ

Nhắc đến "cổ phiếu quốc dân", hiếm có cổ phiếu nào xứng đang hơn cái tên HPG của Hòa Phát với lượng cổ đông thuộc hàng đông đảo nhất sàn chứng khoán. Theo danh sách chốt ngày 20/6 để nhận cổ tức 35%, doanh nghiệp đầu ngành thép có đến 167.897 cổ đông. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra cuối tháng 5, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cũng cho biết Hòa Phát có hơn 160.000 cổ đông, nhiều nhất thị trường và thường xuyên thu hút sự chú ý nhất của nhà đầu tư.


Hiện tại, Hòa Phát đang dẫn đầu 3 sàn về tổng lượng cổ phiếu lưu hành với hơn 5,8 tỷ cổ phiếu và số cổ phiếu trôi nổi tự do (free float) cũng nhiều nhất với gần 3,2 tỷ đơn vị. Nhờ đó, cổ phiếu này thường xuyên giao dịch đầy sôi động, thậm chí gánh thanh khoản cả thị trường. Thời đỉnh cao, giá trị giao dịch trên HPG nhiều phiên còn lên đến hàng nghìn tỷ đồng


Với những ưu điểm vượt trội về thanh khoản, không bất ngờ khi HPG lọt vào danh mục của hầu hết thành phần nhà đầu tư trên thị trường, từ cá nhân đến các tổ chức, từ công ty chứng khoán đến các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, thậm chí cả những doanh nghiệp "tay ngang". Thế nhưng, đáng tiếc là cổ phiếu này gần như chỉ mang đến nỗi buồn cho cổ đông trong suốt thời gian qua.


Đầu tiên phải kể đến nhóm tự doanh các công ty chứng khoán trong đó Chứng khoán Trí Việt (mã TVB) là cái tên ôm lỗ nặng nhất với HPG. Khoản đầu tư này được TVB để dưới dạng chứng khoán sẵn sàng bán (AFS) có giá gốc gần 197 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý chỉ còn chưa đến 112 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 85 tỷ đồng.


Ngoài HPG, khoản mục AFS của TVSI còn có cổ phiếu đáng chú ý như FPT (198 tỷ đồng), PVT (72 tỷ đồng)... Bên cạnh đó, danh mục tự doanh của CTCK này còn có các cổ phiếu như MWG (198 tỷ đồng), TCB (13,6 tỷ đồng), MBB (6,6 tỷ đồng)... nằm dưới dạng các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL).



TVB ôm lượng lớn cổ phiếu HPG và lỗ nặng


Tự doanh không hiệu quả trong khi hoạt động môi giới và cho vay cũng gặp khó, doanh thu hoạt động của TVB giảm gần 81% so với cùng kỳ, xuống mức 26,7 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, CTCK này lãi vỏn vẹn chưa đến 600 triệu đồng, giảm đến hơn 99% so với cùng kỳ năm ngoái.


Cùng cảnh ngộ, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC – mã VDS) cũng đang ôm một lượng lớn cổ phiếu HPG và tạm lỗ. Sau khi bỏ gần 110 tỷ đồng mua vào trong quý đầu năm, VDSC đã cắt lỗ một phần khiến khoản đầu tư này hiện còn gần 85 tỷ đồng theo giá gốc. Tuy nhiên, giá trị hợp lý chỉ còn 55 tỷ đồng, do đó CTCK này ghi lỗ gần 30 tỷ đồng.


Bên cạnh HPG, VDSC còn nắm giữ nhiều cổ phiếu trong đó nổi bật có DBC (193 tỷ đồng), HSG (61 tỷ đồng) và một loạt ngân hàng như TCB (129 tỷ đồng), CTG (122 tỷ đồng), ACB (67 tỷ đồng), OCB (42 tỷ đồng)... Đáng chú ý, các khoản đầu tư lớn trong danh mục của CTCK đều đang tạm lỗ tại thời điểm cuối quý 2.


HPG cũng nằm trong top danh mục của VDSC


Tự doanh "bết bát" khiến VDSC lỗ kỷ lục 267 tỷ đồng trước thuế trong quý 2 dù cùng kỳ vẫn lãi hơn 187 tỷ đồng. Theo giải trình, VDSC cho biết diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của công ty đặc biệt là hoạt động tự doanh và môi giới.


Doanh nghiệp đầu ngành nhóm chứng khoán là Chứng khoán SSI cũng "kẹp" HPG dù giá trị không lớn. Thời điểm cuối quý 2, khoản đầu tư vào HPG của SSI chỉ có giá gốc gần 36 tỷ đồng nhưng đang tạm lỗ hơn 7 tỷ đồng. Chủ lực trong danh mục là cổ phiếu SGN với giá gốc gần 408 tỷ đồng, cũng đang lỗ gần 5 tỷ đồng. Tự doanh và môi giới gặp khó khiến SSI báo lãi trước thuế quý 2 giảm 26% so với cùng kỳ xuống mức 518 tỷ đồng.


SSI cũng "kẹp" nhẹ với cổ phiếu đầu ngành thép


Ngoài các CTCK, nhiều quỹ đầu tư cũng lỗ nặng với HPG điển hình như Ballad Fund thuộc SGI Capital. Theo báo cáo tháng 6, hầu hết cổ phiếu trong danh mục của quỹ đều giảm trong đó HPG tiếp tục có hiệu suất tệ nhất danh mục với mức giảm 35,7%. Ballad Fund qua đó cũng kết thúc tháng với hiệu suất âm 5%.


Đáng chú ý, quỹ đầu tư thuộc SGI Capital đã mạnh tay cơ cấu danh mục khi giảm tỷ trọng cổ phiếu từ mức 90,7% cuối tháng trước xuống còn 39,5% tại thời điểm 30/6. HPG tiếp tục bị cắt lỗ và tỷ trọng giảm xuống chỉ còn 1,82% vào cuối tháng 6. Trước đó, cổ phiếu đầu ngành thép từng có thời điểm là khoản đầu tư lớn nhất của Ballad Fund với tỷ trọng 19%.


Ballad Fund liên tục cắt lỗ HPG


Không chỉ Ballad Fund, các quỹ đầu tư lớn như VEIL Dragon CapitalVinaCapital VOF,... cũng thường xuyên giữ HPG trong top 10 cổ phiếu tỷ trọng lớn nhất danh mục. Bên cạnh đó, các quỹ ETFs tham chiếu theo rổ VN30 đương nhiên cũng phải nắm một lượng HPG nhất định. Hầu hết các tổ chức trên đều có hiệu suất âm trong tháng 6 và cả 6 tháng đầu năm.

Trong danh sách các tổ chức đang ôm cổ phiếu HPG, cái tên gây bất ngờ nhất là Hóa An (mã DHA) – một doanh nghiệp khai thác khoáng sản "tay ngang" đầu tư chứng khoán. Trong quý 2 vừa qua, doanh nghiệp này đã mạnh tay mua thêm gần 2 triệu cổ phiếu đầu ngành thép qua đó nâng sở hữu lên 2,54 triệu đơn vị. Dù vậy, DHA dường như đã bắt trượt đáy HPG và phải trích lập dự phòng hơn 20 tỷ đồng. Điều này khiến chi phí tài chính tăng mạnh, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Lãi ròng quý 2 của DHA đã giảm đến 92% xuống còn vỏn vẹn 1,7 tỷ đồng.

"Tay chơi" không chuyên cũng lỗ nặng với HPG


Không chỉ các tổ chức, nhà đầu tư cá nhân cũng rất khó có lãi với HPG nếu không bắt đúng đáy. Cổ phiếu này thực tế đã liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 3 và có thời điểm đã chạm đáy 18 tháng vào ngày 20/6. HPG hiện đã hồi lại đôi chút lên mức 22.200 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn giảm 55% so với đỉnh hồi cuối tháng 10 năm ngoái. Nếu chỉ tính riêng trong quý 2 vừa qua, thị giá HPG cũng đã mất 35% tương ứng vốn hóa bị thổi bay gần 70.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu HPG liên tục dò đáy



Hà Linh

Theo Nhịp sống kinh tế