Thêm điểm cộng trong việc xử lý vụ công an đánh 2 thiếu niên

Người dân cung cấp thông tin chính xác nhằm phản ánh, tố cáo về hành vi sai phạm của một số nhân viên công quyền thông qua video, clip không phải là hành vi trái pháp luật.


Trong vụ 2 thiếu niên ở Sóc Trăng bị đánh, ngoài việc xử lý nghiêm những cán bộ, chiến sĩ vi phạm, cơ quan chức năng tỉnh này đã không truy tìm, xử lý người phát tán clip vì cho rằng người này làm vì mục đích công; đây là điều khiến người dân cảm thấy hài lòng và tin tưởng hơn vào lực lượng CAND.


Sau khi có quyết định kỷ luật của Ban giám đốc công an tỉnh Sóc Trăng, vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về hành vi trái pháp luật của những người vi phạm giao thông chưa thành niên. Nhiều người cho rằng “chắc là phải như thế nào thì mới bị đánh như vậy” và rằng “không có lửa thì làm sao có khói”…


Về vấn đề này, cần phải có sự phân định đúng và sai. Hành vi không chấp hành hiệu lệnh giao thông, tháo chạy, lạng lách… của người chưa thành niên là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Những hành vi này cần phải được nghiêm trị bởi các quy định pháp luật. Không chỉ họ mà những người liên quan cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (như người giao xe mà biết rõ các em này không đủ điều kiện điều khiển xe 150 cm3). Không ai có thể ngụy biện cho cái sai của những người này. Thế nhưng, cái sai của họ không thể bị dùng vũ lực, dù là một cái tát tai. Do đó, việc một số nhân viên chấp pháp dùng vũ lực với họ là không đúng quy định pháp luật.


Sóc Trăng họp báo thông tin các hình thức kỷ luật đối với tổ tuần tra để xảy ra việc đánh người vi phạm. Ảnh: CHÂU ANH


Việc dùng vũ lực không đúng hoàn cảnh, nội dung, mục đích của các nhân viên chấp pháp đã phải đánh đổi bằng năm quyết định kỷ luật, trong đó có ba quyết định kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân. Qua bao năm rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, nay đột nhiên mất tất cả sự nghiệp chỉ vì một phút nóng giận đã làm nhiều người không khỏi chạnh lòng.


Mặc dù rất tiếc nhưng vấn đề kỷ luật nghiêm minh là cần thiết. Xử lý kỷ luật người vi phạm không phải để làm vừa lòng dư luận mà sâu thẳm của việc làm đó là giữ nghiêm kỷ luật, bởi kỷ luật mới tạo nên sức mạnh của lực lượng công an nhân dân.

Đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, thông tin tại buổi họp báo.Ảnh: CHÂU ANH



Khi ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân của ba chiến sĩ, hẳn người có thẩm quyền cũng đã phải rất đắn đo, tâm tư, cân nhắc giữa bảo vệ cấp dưới với vấn đề kỷ luật và an dân. Và rồi dù rất đau lòng thì các quyết định đã được ban hành nhanh chóng, kịp thời. Các quyết định này được xem là đúng đắn, hợp với lòng dân, làm tăng thêm niềm tin của nhân dân vào lực lượng công an nhân dân.


Khép lại vấn đề kỷ luật, một vấn đề khác cũng được dư luận quan tâm là việc người phát tán đoạn video có phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi hay không. Ở một góc nhìn nào đó, chúng ta phải cám ơn người phát tán đoạn video bởi nếu như không có nó, sẽ có rất ít người biết về sự thật của vụ việc kể trên. Và nếu không có nó thì cũng không thể chứng minh được hành vi vi phạm, mức độ nghiêm trọng của hành vi để người có thẩm quyền loại ra khỏi lực lượng những nhân viên không còn xứng đáng.


Vậy sự lo ngại này đến từ đâu?


Có lẽ nó đến từ việc không phân định được sự đúng, sai của nội dung phát tán. Nói cách khác, không hiếm trường hợp, có người cho rằng hành vi phát tán một video, một clip nào đó cho dù là nội dung chân thật thì cũng là bôi xấu ngành, xúc phạm người thừa hành công vụ… Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng… không hề cấm đoán hành vi cung cấp các video có nội dung chân thật nhằm phản biện, giám sát các cơ quan công quyền nhưng lâu nay, cứ sau mỗi video, mỗi clip phản ánh cán bộ làm sai đưa lên mạng thì người đưa thông tin lên mạng lại gặp không ít rắc rối về mặt pháp lý. Do đó, việc người dân lo ngại bị xử lý sau khi đăng clip là điều rất dễ hiểu.


Cần khẳng định việc người dân cung cấp thông tin chính xác nhằm phản ánh, tố cáo về hành vi sai phạm của một số nhân viên công quyền thông qua video, clip không phải là hành vi trái pháp luật. Ngược lại, đây là một kênh thông tin rất quan trọng để các cơ quan nhà nước xử lý sai phạm và không ngừng hoàn thiện trong tổ chức và hoạt động. Phương thức này cũng góp phần khẳng định về quyền phản biện, giám sát của nhân dân luôn được tôn trọng và được bảo đảm thực thi.


Chính vì vậy, việc phó giám đốc Sở TT&TT tỉnh Sóc Trăng khẳng định không xử lý người phát tán video là một quyết định đúng đắn. Điều này góp phần minh thị về quyền giám sát của nhân dân, đồng thời cũng tạo ra một “tiền lệ” tốt khiến người dân yên tâm hơn trong theo dõi, giám sát người thừa hành công vụ. Ở góc độ của người dân, việc cung cấp những thông tin chính xác như vụ việc ở Sóc Trăng là điều đáng được hoan nghênh và cần nhân rộng.


Tuy nhiên, người dân cũng cần phải có sự phân định giữa thông tin chính xác, thông tin gốc với những thông tin cắt ghép, ngụy tạo. Việc cung cấp những thông tin cắt ghép, ngụy tạo có nội dung sai sự thật nhằm bôi xấu hình ảnh, uy tín của các cơ quan công quyền thì sẽ bị nghiêm trị bởi các chế tài hành chính hoặc nặng hơn là chế tài hình sự.

TS CAO VŨ MINH, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)