Trong ngày đầu Hà Nội nới giãn cách, lượng phương tiện tăng cao tại các chốt cửa ngõ.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, nhiều phương tiện phải quay đầu nhưng không xảy ra ùn tắc kéo dài.
nguoi-dan-un-un-do-ve-ha-noi-vi-nghi-di-lai-da-thoai-ma
Lượng phương tiện tăng cao sau nới giãn cách
Sáng 21/9, có mặt tại chốt kiểm soát dịch bệnh Pháp Vân - Cầu Giẽ (1 trong 22 chốt kiểm soát cửa ngõ trọng điểm Hà Nội tiếp tục duy trì sau nới lỏng giãn cách xã hội), theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, mật độ phương tiện lưu thông qua chốt tăng mạnh so với những ngày trước đó.
Trong đó, chiều từ trung tâm thành phố về các tỉnh phía Nam, thời điểm 9h20, khoảng 50 - 60 xe ô tô cá nhân nối đuôi nhau xếp hàng dừng, đỗ dẫn đến ùn ứ đoạn dài khoảng 200m.
Các phương tiện vận tải có mã QR Code dù được dành riêng một làn ưu tiên, song vẫn phải lưu thông với tốc độ chậm.
Để tránh tình trạng ùn tắc kéo dài, một chiến sĩ CSGT được bố trí điều tiết các phương tiện cá nhân đi vào khu vực đỗ xe phù hợp để kiểm tra y tế, đảm bảo làn xe “luồng xanh” không bị xâm lấn.
Đối với chiều ngược lại từ ngoại tỉnh vào trung tâm Thủ đô, lưu lượng phương tiện cũng khá đông từ đầu giờ sáng. Đến 10h, áp lực phương tiện, đặc biệt là xe vận tải hàng hóa quá lớn khiến khu vực chốt kiểm soát đối diện nguy cơ ùn tắc.
Lực lượng thanh tra GTVT đã nhanh chóng mở thêm một làn tại trạm BOT Pháp Vân để giải phóng dòng xe “luồng xanh” dày đặc, kịp thời giúp cho giao thông qua trạm ổn định sau đó 15 phút.
Một cán bộ thanh tra GTVT huyện Thanh Trì làm nhiệm vụ tại chốt cho biết, thời điểm bình thường, lực lượng chức năng sẽ tổ chức cho 2 làn xe ra, 2 làn xe vào.
Trong đó, 1 làn xe phục vụ xe vận tải hàng hóa, 1 làn xe phục vụ kiểm soát phương tiện cá nhân.
Vào khung giờ phương tiện đông đúc, giao thông diễn biến phức tạp, tổ công tác sẽ mở thêm làn, đảm bảo không để xảy ra ùn tắc kéo dài như những ngày đầu tiên.
Cũng theo ghi nhận của PV, hiện tại, nếu như các xe “luồng xanh” được tạo điều kiện lưu thông nhanh chóng thì tất cả các phương tiện cá nhân qua chốt đều phải trải qua quá trình kiểm tra y tế nghiêm ngặt.
Phương tiện cá nhân chỉ được cấp phép di chuyển tiếp vào trung tâm Thủ đô khi đáp ứng đầy đủ các giấy tờ:
Giấy đi đường, giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực và khai báo y tế (khai báo trên bản giấy hoặc trên hệ thống khai báo điện tử của Bộ Công an)”, một cán bộ công an trong tổ công tác thông tin với Báo Giao thông.
Tại chốt kiểm soát cửa ngõ trên QL1B ở khu vực cầu Phù Đổng, đại diện Đội CSGT số 7 cho biết, trong sáng 21/9, lưu lượng phương tiện lưu thông qua chốt cũng tăng nhanh.
“Đặc biệt hướng từ Bắc Ninh về trung tâm Hà Nội, ngoài lượng xe ô tô cá nhân, một lượng lớn người dân cũng lỉnh kỉnh đồ đạc trở lại Thủ đô vì nghĩ rằng việc đi lại đã được thoải mải.
Tuy nhiên đến khi kiểm tra, nhiều người lại không đáp ứng được giấy tờ theo quy định như: Giấy đi đường, giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19”, vị đại diện này nói đồng thời cho biết, dù phương tiện gia tăng, song giao thông tại chốt vẫn được đảm bảo thông thoáng.
Quân số của tổ công tác vẫn duy trì khoảng 32 người/hai chiều kiểm soát, chưa phải tăng cường lực lượng.
Kiểm soát chặt tại 22 chốt ra vào thành phố
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Cao Văn Hiệp, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong ngày đầu nới giãn cách, Thanh tra Sở đã bố trí 136 cán bộ thanh tra phối hợp với lực lượng công an, quân đội, y tế, chính quyền các địa phương tiến hành chốt trực 24/24h tại 22 chốt trực cửa ngõ lớn ra vào thành phố.
Theo ông Hiệp, trong ngày 21/9, đã có hơn 13.800 phương tiện dán thẻ nhận diện có mã QR Code lưu thông qua các chốt phòng dịch, đảm bảo điều kiện quy định về y tế lưu thông qua chốt, không phát hiện vi phạm.
Tuy nhiên, đã yêu cầu 589 phương tiện không đảm bảo điều kiện theo quy định quay lại nơi xuất phát (577 trường hợp giấy xét nghiệm âm tính đã hết hạn, 12 trường hợp đi không đúng tuyến, hành trình đã đăng ký).
Theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã nới lỏng nhiều hoạt động sau ngày 21/9, song theo chỉ đạo của UBND thành phố, lực lượng liên ngành sẽ tiếp tục duy trì 22 chốt kiểm soát cửa ngõ, quản lý người ra, vào Thủ đô.
Tại các chốt kiểm soát cửa ngõ này, lực lượng chức năng vẫn đang áp dụng kiểm soát người ra, vào thành phố theo văn bản số 2434.
Cụ thể, người ra, vào Hà Nội đều phải có giấy tờ tùy thân; kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày) và giấy đi đường hoặc giấy xác nhận ra, vào Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ công vụ, chống dịch.
“Mới đây, tại 22 chốt kiểm soát, chúng tôi lắp đặt hệ thống camera nhằm phục vụ việc quét mã QR Code kiểm soát cửa ngõ ra, vào thành phố.
Hệ thống này được hỗ trợ hoàn toàn trên nền tảng ứng dụng của Bộ Công an tại trang kiemdich.dancuquocgia.gov.vn, cài đặt đơn giản và thời gian quét rất nhanh trong khoảng từ 2 - 5 giây.
Việc này đã mang lại những ưu việt như hạn chế cán bộ, chiến sĩ tiếp xúc gần với các lái xe, tránh hiện tượng lây nhiễm cộng đồng”, vị lãnh đạo này cho biết.
Vì sao cầu Tó, Vành đai 3 ùn tắc?
Khoảng 16h chiều 21/9, một số tuyến đường trọng điểm tại Hà Nội xảy ra ùn tắc kéo dài. Trong đó, nghiêm trọng nhất là khu vực ngã tư cầu Tó - Phan Trọng Tuệ, đường Vành đai 3 trên cao.
Trao đổi với Báo Giao thông, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội CSGT số 7 cho biết, nguyên nhân ùn tắc tại điểm “nóng” cầu Tó, Xa La do lưu lượng phương tiện tăng cao, nhất là khung giờ chuẩn bị cao điểm chiều; nhiều phương tiện chen chúc qua ngã tư dẫn đến xung đột.
“Chúng tôi đã huy động 4 CSGT phối hợp với Đội CSGT 14 phân luồng, hướng dẫn người tham gia giao thông. Đến khoảng 19h00, giao thông đã ổn định, không còn ùn tắc”, Trung tá Thắng nói.
Tương tự, đại diện Đội CSGT số 14 thông tin, đường Vành đai 3 trên cao ùn tắc do vào giờ cao điểm xảy ra vụ va chạm giữa hai ô tô, dòng phương tiện vì thế dồn ứ lại.
“Từ phía đường trên cao đoạn Khuất Duy Tiến, CSGT hướng dẫn các xe ô tô lưu thông làn đường bên dưới Nguyễn Xiển để tránh lên đường trên cao”, vị này nói.