UBND tỉnh Tiền Giang vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.
Tổng mức đầu tư tăng lên tại dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu nằm toàn bộ ở dự án thành phần 2 - Ảnh minh họa.
Theo tờ trình, tổng mức đầu tư dự án được kiến nghị lên 7.458 tỷ đồng. Trong đó, dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản là 3.640 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản là 3.818 tỷ đồng.
So với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư trước đó, phần chi phí phát sinh (1.572 tỷ đồng) của dự án nằm ở dự án thành phần 2 (tăng từ 2.246 tỷ đồng lên 3.818 tỷ đồng).
UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tại bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, số liệu GPMB là dự kiến trên bản đồ. Trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, diện tính đất nông nghiệp tăng, đất ở tăng do được tính chính xác theo hồ sơ khảo sát, thiết kế.
Ngoài ra, tại bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tạm tính theo quyết định ban hành giá đất, giá cây trồng và kiến trúc do tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp ban hành.
Bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi tính theo đơn giá đất cụ thể tại thời điểm lập dự án do các địa phương phối hợp cung cấp sau khi tiến hành khảo sát giá đất bồi thường thực tế.
Với hai yếu tố nói trên, chi phí GPMB dự án thành phần 2 đã tăng lên từ 398 tỷ đồng lên 1.255 tỷ đồng.
Một nguyên nhân khác được đề cập là trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, suất đầu tư dự án thành phần 2 khoảng 158 tỷ đồng/km (không bao gồm chi phí GPMB và dự phòng). Trong đó, phần tuyến tham khảo theo suất đầu tư của tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; phần cầu tham khảo suất đầu tư theo Quyết định số 65 ngày 20/01/2021 của Bộ Xây dựng.
Mặc dù vậy, tại bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi chi phí xây dựng được xác định dựa trên khối lượng hồ sơ thiết kế cơ sở (được tính toán chi tiết, cụ thể và phù hợp với quy mô, cấp hạng của tuyến đường, phù hợp với điều kiện địa hình, thủy văn) và đơn giá tại thời điểm lập dự án.
Trong đó, chiều dài cầu tăng khoảng 419m do phải kéo dài cầu để xử lý nền đất yếu phạm vi đầu cầu, đảm bảo tĩnh không các đường chui dưới cầu; Chiều dài đường gom tăng khoảng 5,95km để đảm bảo giao thông trong khu vực theo yêu cầu của các địa phương.
Việc tính suất đầu tư hạng mục nền đường bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi khoảng 75,39 tỷ đồng/km (bao gồm cả xử lý nền đất yếu), thấp hơn nhiều so thực tế bước báo cáo nghiên cứu khả thi là 113,54 tỷ đồng/km (giá trị sau khi hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến thẩm định của Cục Quản lý đầu tư xây dựng).
Nguyên nhân do chiều sâu tầng đất yếu lớn, giá vật liệu tăng do nguồn cung của các vật liệu đáp ứng theo tiêu chuẩn đường cao tốc đang khan hiếm. Những yếu tố đó làm tăng tổng mức đầu tư dự án.
Theo chủ trương đầu tư được phê duyệt, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 có tổng chiều dài tuyến hơn 27 km. Trong đó, chiều dài đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,81 km, qua địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62 km.
Trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe, bề rộng mặt đường 17m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.886 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.