Bộ GTVT cho biết, Quy chuẩn 72 ban hành năm 2013 đã được sửa đổi bổ sung nhiều lần. Đến nay, một số quy định không còn phù hợp do điều kiện kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học kỹ thuật thế giới trong lĩnh vực phương tiện thủy nội địa (PTTNĐ) đã thay đổi, tốc độ phát triển PTTNĐ cả về cỡ và kiểu loại phương tiện nhanh, gây khó khăn trong quá trình áp dụng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động phương tiện thủy nội địa tuyến vận tải ven biển, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đã nghiên cứu, rà soát các quy định có liên quan đối với phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB. Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung, cập nhật mới các quy định có liên quan về điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn tại Việt Nam nhằm nâng cao điều kiện an toàn của phương tiện khi hoạt động.
Theo ban soạn thảo, quy chuẩn mới không làm phát sinh chi phí đối với các chủ tàu, cơ sở thiết kế PTTNĐ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa PTTNĐ; Cơ sở sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm máy, vật liệu, trang thiết bị sử dụng cho PTTNĐ; Cơ sở cung cấp dịch vụ kỹ thuật, mà còn sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ các bất cập, vướng mắc, bảo đảm phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và thông lệ quốc tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng kiểm PTTNĐ.
Đối với các cơ quan quản lý, việc sửa đổi, bổ sung, hợp nhất quy chuẩn tạo điều kiện tốt hơn cho việc tra cứu, rõ ràng hơn trong áp dụng.
Tại quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, quy chuẩn mới bổ sung trách nhiệm của các cơ sở thiết kế phải thực hiện kiểm tra, khảo sát tàu thực tế trước khi tiến hành lập hồ sơ thiết kế cho phương tiện nhập khẩu (trừ mô tô nước nhập khẩu để sử dụng cho mục đích thể thao, vui chơi giải trí) hoặc phương tiện đã đóng không có sự giám sát của đăng kiểm (bao gồm phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá chuyển đổi thành PTTNĐ) và lập hồ sơ thiết kế hoán cải.
Đồng thời, chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu, phương pháp tính trong hồ sơ thiết kế, tính hợp pháp, hợp lệ của các hồ sơ, tài liệu theo quy định.
Theo ban soạn thảo, quy định này nhằm nêu cao trách nhiệm của các cơ sở thiết kế, phòng ngừa việc xử lý số liệu tính toán thiết kế cẩu thả nhằm tăng chất lượng thiết kế tàu.
Đối với chủ tàu, cũng bổ sung trách nhiệm phải thông báo cho đăng kiểm biết mọi sự cố, vị trí hư hỏng, việc sửa chữa hư hỏng giữa hai lần kiểm tra đối với các hạng mục được quy định tại quy chuẩn và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan của PTTNĐ để đăng kiểm cùng phối hợp kiểm tra an toàn kỹ thuật của tàu.
Quy chuẩn mới đề xuất bổ sung thuật ngữ tàu cao tốc và phân biệt rõ tàu cao tốc chở người để làm rõ quy định phải áp dụng liên quan đối với tàu cao tốc có sức chở người đến 12 người.
Theo đó, tàu cao tốc là một trong số các loại tàu: Tàu được kiểm tra chứng nhận theo quy định của Quy chuẩn QCVN54:2013; Tàu hoạt động ở chế độ lướt mà thân tàu tách hoàn toàn khỏi mặt nước do lực nâng khí động học tạo ra bởi hiệu ứng bề mặt, có tốc độ lớn nhất từ 30km/h trở lên ở trạng thái đầy tải.
Trong đó, tàu cao tốc chở khách là tàu cao tốc có sức chở người trên 12 người, trừ thuyền viên, người lái phương tiện và trẻ em dưới 1 tuổi.
Tàu cao tốc chở người là tàu cao tốc có sức chở người từ 12 người trở xuống, trừ thuyền viên, người lái phương tiện và trẻ em dưới 1 tuổi.
Ngoài ra, quy chuẩn mới cũng bổ sung thuật ngữ tàu nhiều thân được tham khảo từ quy phạm của Liên bang Nga, thay cho tàu hai thân bởi nếu chỉ giải thích tàu hai thân thì các tàu nhiều hơn hai thân sẽ không áp dụng được quy chuẩn.
Bổ sung thuật ngữ về hoán cải lớn là hoán cải đối với tàu hiện có mà thay đổi đáng kể kích thước hoặc khả năng chở của tàu (ví dụ như kéo dài tàu bằng cách thêm một phần mới vào thân tàu hiện có) hoặc thay đổi loại tàu (ví dụ như thay đổi từ tàu chở hàng lỏng sang tàu chở hàng khô); Thay đổi kết cấu có ảnh hưởng đến yêu cầu cần thiết liên quan đến phân khoang tàu.
Quy chuẩn mới cũng giải thích rõ hơn việc thẩm định hồ sơ thiết kế, hướng dẫn tài liệu của tàu là việc kiểm tra, soát xét của đăng kiểm đối với hồ sơ thiết kế, tài liệu hướng dẫn để đưa ra kết luận về tính tuân thủ của hồ sơ thiết kế, tài liệu hướng dẫn với yêu cầu của quy chuẩn này và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan của PTTNĐ.
Đồng thời, bổ sung quy định về trường hợp đặc biệt trong hoạt động giám sát kỹ thuật, nếu có loại PTTNĐ, sản phẩm công nghiệp mà trong nước chưa có các quy định áp dụng hoặc quy định của Việt Nam chưa cập nhật so với thông lệ quốc tế, Cục ĐKVN nghiên cứu, báo cáo Bộ GTVT để áp dụng các quy định, tiêu chuẩn của các tổ chức đăng kiểm quốc tế là thành viên của Hiệp hội các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS) hoặc tổ chức chứng nhận được các quốc gia có tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến thừa nhận (các quốc gia là thành viên của G7, EU, các quốc gia UK, Úc, Newzealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga) hoặc áp dụng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật của tàu biển.
Theo ban soạn thảo, bổ sung quy định này nhằm tạo thuận lợi trong việc áp dụng các quy định hiện có trong nước cũng như các quy định của nước ngoài bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam và thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, quy chuẩn cũng bổ sung nhiều quy định mới trong quy định chung về phân cấp như: Kiểm tra phân cấp tàu không có kiểm tra của đăng kiểm trong đóng mới; Tàu chuyển cấp từ tàu đang được đăng ký là tàu biển Việt Nam về PTTNĐ; Kiểm tra sản phẩm công nghiệp.
Đối với các quy định về thân tàu; hệ thống máy tàu; trang bị điện; phòng, phát hiện và chữa cháy; vật liệu hàn; ổn định nguyên vẹn; mạn khô; trang bị an toàn; ngăn ngừa ô nhiễm tàu, quy chuẩn mới cũng được rà soát, chỉnh lý, cập nhật, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn và thông lệ quốc tế theo hướng chi tiết, rõ ràng hơn để dễ áp dụng khi triển khai.
Ban soạn thảo cho biết thêm, hiện nay các tổ chức cá nhân có yêu cầu về thiết kế và đóng các PTTNĐ có các đặc thù riêng, quy chuẩn hiện hành chưa quy định đầy đủ nên công tác phân cấp tàu gặp nhiều vướng mắc.
Do đó, quy chuẩn mới đã bổ sung thêm quy định đối với một số loại tàu cụ thể, đưa ra các quy định kỹ thuật riêng đặc thù đối với các loại tàu như: Tàu cẩu và pông tông cẩu; Tàu và pông tông tự nâng; Tàu chở cát chuyên dùng; Tàu sử dụng pin cung cấp năng lượng điện để truyền động hệ thống đẩy tàu; Tàu sử dụng nhiên liệu khí, để có cơ sở phân cấp và kiểm tra các loại tàu này đáp ứng xu thế phát triển.
Quy chuẩn 72 quy định các yêu cầu về hoạt động phân cấp và kiểm tra trong thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa và khai thác phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi là tàu) hoạt động trên sông, kênh, rạch, hồ, đầm, phá, vụng, vịnh và các tuyến vận tải đường thủy nội địa ven bờ biển được công bố của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các tàu thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này có một trong các đặc trưng: Tàu có chiều dài thiết kế từ 20m đến 140m; Tàu tự hành không phụ thuộc vào chiều dài thiết kế, có tổng công suất máy chính từ 75 kW (100 sức ngựa) trở lên.
Các tàu không phụ thuộc vào chiều dài thiết kế và tổng công suất máy chính, bao gồm: Tàu khách, tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi; Tàu chở dầu; Tàu chở hóa chất nguy hiểm; Tàu chở khí hóa lỏng; Tàu chở hàng nguy hiểm - Tàu nhiều thân; Tàu kéo, đẩy; Tàu cánh ngầm; Tàu đệm khí; Tàu công trình; Tàu chuyên dụng đặc biệt; Tàu loại đặc biệt khác được quy định tại các phần tương ứng của quy chuẩn.
Ngoài ra, Quy chuẩn 72 không áp dụng cho tàu có chiều dài thiết kế lớn hơn 140m.