Sở GTVT địa phương quản lý hoạt động kiểm định thế nào?

Cấp tài khoản cho các Sở GTVT quản lý, giám sát hoạt động kiểm định

Tại Hội nghị phổ biến Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới do Cục Đăng kiểm tổ chức sáng 16/6, ông Lại Thái Phong, Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới đã hướng dẫn công tác đánh giá điều kiện hoạt động các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) cho các Sở GTVT.

sở gtvt địa phương quản lý hoạt động kiểm định thế nào?

Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Chiến Thắng giải đáp thắc mắc của các Sở GTVT tại Hội nghị


Theo đó, công tác đánh giá điều kiện hoạt động đơn vị đăng kiểm xe cơ giới bao gồm: Đánh giá điều kiện hoạt động cấp giấy chứng nhận lần đầu (bao gồm đánh giá cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị kiểm định, hồ sơ nhân lực, hệ thống quản lý và giám sát) và Đánh giá duy trì hoạt động (bên cạnh các hạng mục như đánh giá cấp giấy chứng nhận lần đầu còn thực hiện đánh giá quản lý ấn chỉ và quy trình hoạt động của các TTĐK).

Phổ biến thủ tục hồ sơ, trình tự cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới cho các đơn vị đăng kiểm, ông Phong lưu ý các Sở GTVT chỉ được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới trong 3 trường hợp: Cấp lại Giấy chứng nhận do bị thu hồi; Giấy chứng nhận bị mất, hỏng hoặc Đơn vị đăng kiểm thay đổi vị trí, mặt bằng.

Theo ông Phong, để phục vụ công tác quản lý, giám sát hoạt động kiểm định, Cục Đăng kiểm đã xây dựng hệ thống phần mềm về quản lý kiểm định, tra cứu dữ liệu, camera giám sát.

Hiện các Sở GTVT đã được cấp tài khoản camera giám sát để truy cập và quan sát quá trình hoạt động tại các TTĐK cùng với các công cụ tra cứu dữ liệu phương tiện với một số thông tin cơ bản như: khối lượng, số người cho phép chở, số khung, số máy phương tiện.

Gần đây, để đáp ứng yêu cầu quản lý chung, Cục Đăng kiểm đang phát triển hệ thống quản trị riêng để xây dựng nền tảng dữ liệu cung cấp đến từng Sở GTVT địa phương giúp các Sở có bức tranh tổng thể về tình hình hoạt động kiểm định xe cơ giới trên địa bàn.

Cụ thể, các Sở GTVT sẽ nắm bắt được số lượng các TTĐK trên địa bàn, trung tâm nào đang hoạt động hay dừng hoạt động, có đang sử dụng hệ thống bổ trợ (như phần mềm nhận lịch hẹn trực tuyến) của Cục Đăng kiểm VN hay không; năng suất kiểm định của từng TTĐK; số lượng và thông tin các đăng kiểm viên tại mỗi đơn vị đăng kiểm, kiểm soát được cả lịch làm việc, lịch nghỉ, công tác của các đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ…

Đây cũng là một kênh để các Sở GTVT tiếp nhận các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo từ Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT, thông báo trao đổi giữa các Sở GTVT với nhau.

“Ngoài ra, mỗi Sở GTVT, mỗi TTĐK, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ sẽ có một tài khoản riêng để đăng nhập, thao tác, do đó hệ thống có tình xác thực và bảo mật cao”, ông Phong nhấn mạnh.

sở gtvt địa phương quản lý hoạt động kiểm định thế nào?

Cục Đăng kiểm VN đang khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 30/2023/NĐ-CP để phổ biến đến các Sở GTVT, TTĐK

Khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn

Tại Hội nghị, đại diện các Sở GTVT Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Khánh Hoà, Hải Dương,…đã đề nghị Cục Đăng kiểm VN sớm có Thông tư hướng dẫn cụ thể các Sở GTVT thực hiện công tác quản lý kiểm định xe cơ giới trên địa bàn.

Ông Trần quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ GTVT cho biết, việc nghiên cứu, xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 18/2019 (hướng dẫn thực hiện quy định tại Nghị định 139/2019/NĐ-CP) đang được khẩn trương thực hiện và sẽ sớm ban hành thời gian tới.

Trong đó, sẽ quy định theo hướng có thể trưng dụng đăng kiểm viên tại các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn, chuyên gia Cục Đăng kiểm VN tham gia vào hội đồng đánh giá cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận hoạt động cho các đơn vị đăng kiểm cũng như việc đánh giá duy trì điều kiện hoạt động.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN, cùng với Thông tư sửa đổi Thông tư 18/2019, Cục Đăng kiểm VN cũng đang rà soát sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới QCVN 103:2019, Thông tư 85/2014/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, dự kiến sẽ trình dự thảo đầu tiên lên Bộ GTVT trước ngày 23/6 tới đây.


“Các Sở GTVT cũng không cần quá lo lắng bởi Nghị định 30 quy định lộ trình chuyển giao hoạt động quản lý cho các Sở GTVT kéo dài 2,5 năm tới. Trong khoảng thời gian này, Cục Đăng kiểm và các Sở GTVT sẽ sát cánh cùng nhau làm việc để việc triển khai được thực hiện hiệu quả, thuận lợi nhất” - ông Nguyễn Văn Phương, Phó Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm.


Trước những lo lắng của các Sở GTVT địa phương về nhân lực để thành lập Hội đồng đánh giá cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận hoạt động cũng như đánh giá duy trì hoạt động các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, Nghị định 30/2023 đã quy định rõ Sở GTVT là đơn vị đầu mối, chu trì để thực hiện.

Bên cạnh đó cần có sự phối hợp của các Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Thuế để đánh giá tổng thể các hạng mục (đất đai, vị trí xây dựng, trang thiết bị kiểm định, nhân lực, thuế,…) theo quy định pháp luật.

Ông Thắng cũng lưu ý các Sở GTVT khi phát sinh nhiệm vụ cố gắng không phát sinh thêm tổ chức bộ máy thực hiện.

Đối với kiến nghị Bộ GTVT sớm ban hành thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận hoạt động kiểm định xe cơ giới đặc biệt về thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết hồ sơ của Sở GTVT Hà Nội, ông Trần Quang Hà cho biết, Bộ GTVT đang tổng hợp, dự kiến sẽ công bố quy trình thủ tục hành chính trong tuần tới để các địa phương triển khai, thực hiện. Ngoài ra, Nghị định 30 cũng đã quy định rất cụ thể hồ sơ, trình tự thủ tục cũng như các biểu mẫu cần thiết để phục vụ công tác này.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Chiến Thắng cũng cho biết, sẽ có kế hoạch tập huấn cụ thể cho các Sở GTVT trong quá trình phân cấp, phân quyền, chuyển giao nghiệp vụ công tác quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới tại địa phương.

Đồng thời, tới đây, Cục Đăng kiểm cũng sẽ thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm, trao đổi trực tuyến với các địa phương để trao đổi làm rõ các thông tin để phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định 30/2023.