Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm 2903S cho biết, dự thảo Thông tư đã quy định chi tiết điều kiện thành lập đơn vị đăng kiểm theo hướng siết chặt, đáp ứng quy hoạch lĩnh vực kiểm định và quy hoạch địa phương.
Việc phân cấp cấp phép hoạt động TTĐK về địa phương cũng phù hợp bởi địa phương là cơ quan nắm rõ nhất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương, số lượng phương tiện trên địa bàn và nhu cầu kiểm định xe của người dân. Từ đó, xem xét cấp phép hay không đối với các đơn vị có nhu cầu thành lập TTĐK mới, tránh tình trạng mở tràn lan, dẫn đến cung vượt cầu gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Hoan, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm 2903V cho biết thêm, dự thảo Thông tư cũng quy định rõ các đơn vị kinh doanh vận tải, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và phải đáp ứng điều kiện về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, tạo cơ sở cho các đơn vị này triển khai thực hiện nếu có nhu cầu.
Một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo là việc quy định chi tiết nội dung tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thay vì chung chung như hiện nay.
Theo đó, tập huấn lý thuyết phải bao gồm các nội dung: Tổng quan lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định xe cơ giới; Đạo đức nghề nghiệp; Kỹ năng giao tiếp; Quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác kiểm định; Cung ứng dịch vụ công về lĩnh vực đăng kiểm; Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới.
Đăng kiểm viên cũng cần được tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ trong hoạt động kiểm định xe cơ giới; Tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình trong công tác kiểm định; Hướng dẫn sử dụng thiết bị kiểm tra; Hướng dẫn kiểm tra xe cơ giới theo hạng mục kiểm tra, phương pháp kiểm tra; Công đoạn và quy trình kiểm tra xe cơ giới; đánh giá kết quả kiểm tra; Hướng dẫn sử dụng chương trình, phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới, tra cứu thông tin phương tiện.
Học viên sau khi được cấp Giấy xác nhận hoàn thành chương trình tập huấn lý thuyết nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới, trong thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy xác nhận phải liên hệ và tiến hành thực hành kiểm định xe cơ giới tại đơn vị đăng kiểm.
Giống như quy định hiện hành, dự thảo đề xuất trong thời gian thực hành, học viên phải thực hành các nội dung: Kiểm tra 5 công đoạn trên dây chuyền kiểm định, sử dụng thiết bị kiểm tra và các chương trình, phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới.
Tuy nhiên, bổ sung thêm quy định: Học viên phải lập báo cáo thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới; Đơn vị đăng kiểm hướng dẫn thực tập căn cứ báo cáo thực tập để xác nhận văn bản thực tập cho học viên.
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất quy định rõ số lượng xe thực hành trên dây chuyền đối với mỗi học viên.
Cụ thể, học viên có thời gian thực tập 12 tháng, thực hành tối thiểu 400 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau (có thể thực tập nhiều công đoạn trên một xe), trong đó mỗi công đoạn thực tập tối thiểu 100 xe tải, 100 xe khách. Riêng việc lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 400 xe.
Học viên có thời gian thực tập 6 tháng, thực tập tối thiểu 200 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau (có thể thực tập nhiều công đoạn trên một xe), trong đó mỗi công đoạn thực tập tối thiểu 50 xe tải, 50 xe khách. Riêng việc lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 200 xe.
Đối với học viên có thời gian thực tập 3 tháng phải thực hành tối thiểu 100 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau (có thể thực tập nhiều công đoạn trên một xe), trong đó mỗi công đoạn thực tập tối thiểu 25 xe tải, 25 xe khách. Riêng việc lập hồ sơ phương tiện phải được thực hiện tối thiểu đối với 100 xe.
Người hướng dẫn thực tập phải là đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao hoặc đăng kiểm viên xe cơ giới có kinh nghiệm tối thiểu 36 tháng. Học viên được kiểm tra và đánh giá xe cơ giới vào kiểm định dưới sự hướng dẫn, giám sát của người hướng dẫn thực tập; Người hướng dẫn thực tập phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá tình trạng kỹ thuật xe cơ giới vào kiểm định.
Ông Trần Nguyên Sinh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) 2908D (Hà Nội) cho biết, thực tế tại văn bản hướng dẫn thực hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) gửi các TTĐK trước đây mới chỉ quy định học viên tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên 12 tháng với khối lượng thực hành kiểm định tối thiểu 400 xe/mỗi công đoạn của nhiều loại xe khác nhau.
Song ở dự thảo thông tư đã bổ sung thêm nội dung tập huấn dành cho học viên có thời gian thực tập 6 tháng, 3 tháng nhằm rút ngắn thời gian thực tập đối với các học viên đã có kinh nghiệm.
"Việc bổ sung quy định này là cần thiết, phù hợp với quy định tại Nghị định 30/2023, đồng thời, giúp lĩnh vực đăng kiểm sớm có được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu kiểm định xe cơ giới của người dân và doanh nghiệp", ông Sinh nói.
Dự thảo cũng bổ sung riêng một điều quy định về tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới. Theo đó, căn cứ kế hoạch hằng năm và nhu cầu thực tế, Cục ĐKVN tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới cho Sở GTVT hoặc đơn vị đăng kiểm.
Nội dung tập huấn lý thuyết nghiệp vụ ngoài tổng quan, văn bản pháp lý như tập huấn đăng kiểm viên còn có thêm các nội dung khác như: Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá việc duy trì điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; Hướng dẫn kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định xe cơ giới; Hướng dẫn sử dụng chương trình, phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới, tra cứu thông tin phương tiện; Hướng dẫn phúc tra kết quả kiểm định xe cơ giới.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định: Khi có sự thay đổi về quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật có liên quan; Công nghệ mới được trang bị trên xe cơ giới; Nội dung, phương pháp, tiến bộ khoa học kỹ thuật và thiết bị kiểm tra mới trong công tác kiểm định xe cơ giới, Cục ĐKVN có trách nhiệm tổ chức tập huấn cập nhật, bổ sung nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá.
Trong khi đó, Sở GTVT các địa phương có trách nhiệm cử người tham gia tập huấn, tập huấn cập nhật bổ sung nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Theo các trung tâm đăng kiểm, thực hiện quy định này nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho các Sở GTVT để thực hiện nhiệm vụ được phân cấp theo Nghị định 30/2023 về việc đánh giá cấp, cấp lại Giấy chứng nhận hoạt động kiểm định xe cơ giới. Đồng thời, giúp các đơn vị đăng kiểm chủ động trong đánh giá hoạt động kiểm định tại đơn vị trong quá trình hoạt động; Nhanh chóng cập nhật các quy định mới, công nghệ mới liên quan đến kiểm định xe cơ giới cũng như phương tiện lưu hành.
Các công đoạn kiểm tra phương tiện trên dây chuyền kiểm định bao gồm:
Công đoạn 1: Lập hồ sơ phương tiện và kiểm tra nhận dạng, tổng quát;
Công đoạn 2: Kiểm tra phần trên của phương tiện;
Công đoạn 3: Kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang;
Công đoạn 4: Kiểm tra môi trường;
Công đoạn 5: Kiểm tra phần dưới của phương tiện.