Sắp giảm lực lượng CSGT ra đường làm nhiệm vụ

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính” từ năm 2021 đến 2025.


Đề án có tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.150 tỉ đồng, với mục tiêu nâng cấp trung tâm thông tin chỉ huy Cục CSGT, bảo đảm việc kết nối các hệ thống camera của các đơn vị trong và ngoài ngành công an; hoàn thiện trung tâm thông tin chỉ huy và điều hành giao thông của Cục CSGT, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, Phòng CSGT Công an TP.HCM.


Phân bổ đồng bộ các tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam


Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, cho biết để thực hiện đề án nêu trên, cục đã họp và đề xuất lãnh đạo Bộ Công an thành lập ban chỉ đạo chuyên trách, hoạch định chi tiết các công việc cần làm.


Ban chỉ đạo sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả của hệ thống camera đã có để từ đó lựa chọn công nghệ trong thời gian tới, yêu cầu là phải đảm bảo kết nối đồng bộ, tiết kiệm ngân sách.


Theo ông Bình, khi thực hiện dự án, hệ thống dữ liệu camera trung tâm của Cục CSGT trên phạm vi toàn quốc sẽ được kết nối với hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, hệ thống giám sát của ngành giao thông để phục vụ quá trình xử lý vi phạm.


Về số lượng camera lắp đặt, phó cục trưởng Cục CSGT nói hiện thế giới chưa có sự thống nhất về việc lắp bao nhiêu camera là đủ trên mỗi tuyến đường. Điều này sẽ tùy thuộc vào khả năng tài chính của mỗi quốc gia, tương ứng với đó là các phương thức đầu tư khác nhau.

Tại Việt Nam, hiện chúng ta chưa đủ khả năng để phủ kín camera trên mọi tuyến đường, do vậy Bộ Công an sẽ lựa chọn phương án lắp đặt ở những vị trí cần thiết trước, ưu tiên khu vực nội thành, nguyên tắc là đảm bảo phân bổ đồng bộ trên các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm từ Bắc vào Nam.


Khi hệ thống camera đã được xây dựng đồng bộ, CSGT sẽ giúp người dân theo dõi các thông tin về giao thông theo thời gian thực, điều hướng phương tiện thông qua bản đồ số. “Lúc đó, người dân có thể truy cập app do Cục CSGT xây dựng để biết tuyến đường mình sắp đi có ùn tắc hay không” - ông Bình lấy ví dụ.


Trung tâm thông tin chỉ huy tại Cục CSGT. Ảnh: TUYẾN PHAN

Sẽ khó còn hiện tượng tiêu cực


Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, hệ thống dữ liệu camera trên toàn quốc được kết nối với các dữ liệu khác sẽ giúp CSGT có thể dùng thiết bị điện tử để trích xuất dữ liệu biển số, rà soát xem xe gây tai nạn đang bỏ trốn hướng nào... Điều này đồng nghĩa sẽ giảm tối đa số cán bộ CSGT trực tiếp ra đường làm nhiệm vụ, từ đó giảm tiếp xúc trực tiếp giữa CSGT xử lý vi phạm với người vi phạm. Việc áp dụng công nghệ thông tin cũng tiến tới xử phạt hoàn toàn dựa trên dữ liệu điện tử, rất khó có chuyện “xin - cho” hoặc bỏ qua vi phạm, vì tất cả chứng cứ đã lưu trên hệ thống.


Cùng với đó, Cục CSGT sẽ trang bị các loại camera (đeo ở ngực, cầm tay và trên xe) cho cán bộ CSGT khi làm nhiệm vụ. Các tổ công tác buộc phải ghi lại toàn bộ quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, giúp việc xử lý vi phạm khách quan và minh bạch.


“Cục sẽ xây dựng một app điện thoại để nhận thông tin, hình ảnh của người dân cung cấp, các tiêu cực nếu có sẽ được xác minh, xử lý căn cứ trên phản ánh của người dân” - phó cục trưởng Cục CSGT cho hay.


Đáng chú ý, theo ông Bình, hiện nay việc xử lý vi phạm của lực lượng CSGT vẫn đang áp dụng hình thức lập biên bản giấy, bảy ngày sau ra quyết định xử phạt, người vi phạm trực tiếp đến nộp phạt và bị tước giấy phép lái xe (tùy vào hành vi vi phạm).


Thời gian tới, CSGT sẽ dựa trên dữ liệu căn cước công dân của người vi phạm ra quyết định xử lý vi phạm điện tử, sử dụng chữ ký số để hoàn thiện việc xử phạt trên mạng. “Tương lai, CSGT cũng có thể trừ điểm hoặc tước giấy phép lái xe trên hệ thống thay vì phải tước giấy tờ trực tiếp như hiện nay” - ông Bình cho biết.


Với những tiến bộ như trên, lực lượng CSGT khi đó chỉ có mặt để xử lý các vi phạm mà hệ thống camera không phát hiện được như vi phạm nồng độ cồn, ma túy hoặc phối hợp truy bắt tội phạm…•


Ba dự án thành phần
Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính được chia làm ba dự án thành phần.
Dự án một do Cục CSGT làm chủ đầu tư với khoảng 850 tỉ đồng để xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung, phục vụ cho kết nối, chia sẻ dữ liệu camera. Dự án này xây dựng kho dữ liệu dùng chung có tích hợp các hệ thống camera giám sát trên không gian mạng; quản lý dữ liệu dùng chung và tích hợp với các hệ thống nghiệp vụ trong và ngoài ngành công an; lưu trữ toàn bộ dữ liệu camera trên tuyến quốc lộ 1A, các tuyến cao tốc...
Dự án hai và thứ ba có cùng nội dung đầu tư, nâng cấp trung tâm chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát cho hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM sẽ do công an của các TP này làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến mỗi dự án 650 tỉ đồng.
Theo đó, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội và Công an TP.HCM xây dựng thêm hệ thống phần mềm tự động phát hiện xe vi phạm, tự động cảnh báo các điểm ùn tắc giao thông và các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, tự động cảnh báo, hiển thị xe thuộc diện phải giám sát (xe mất cắp, xe gây tai nạn bỏ chạy, xe đang trong chuyên án cần theo dõi...).


-Theo báo Pháp luật TPHCM