Lenovo X1 Carbon Gen 4 i5- gen 6th 8GB không ổ FHD Touch

Bộ Công Thương - Tài chính sẽ rà soát các quy định liên quan tới công thức, điều hành giá, thời điểm, thời gian điều hành, chi phí vận chuyển, quyền của các công ty con, phân phối... để phù hợp hơn với thị trường biến động như thời gian qua.


Ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương vào chiều 12-10. 


Trong khi đó phản ảnh với lãnh đạo các bộ ngành liên quan tại cuộc họp sáng cùng ngày, các doanh nghiệp (DN) đầu mối đều cho rằng do quá lỗ nên hạn chế nhập khẩu, rồi việc gián đoạn vận chuyển hàng từ các nhà máy lọc dầu miền Trung dẫn đến việc thiếu hàng thời gian qua.


Nguồn hàng dần ổn định


Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 12-10, giám đốc một DN bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cho biết sáng cùng ngày, các cây xăng của DN này vẫn bán hàng nhưng đến buổi chiều phải tạm ngưng kinh doanh do hết nguồn cung. 


Theo vị này, phía thương nhân phân phối hứa sẽ cung cấp hàng nhưng DN này vẫn chưa nhận được. Trong tối 12-10, nếu được cung cấp hàng, hệ thống các cửa hàng của DN này sẽ bán hàng trở lại bình thường.


Theo vị này, nguồn dầu DO đã dồi dào, còn nguồn cung xăng đã cấp được khoảng 70% so với nhu cầu. 


"Chúng tôi chỉ là DN bán lẻ, cứ cấp bao nhiêu là chúng tôi sẽ bán bấy nhiêu và làm sao để nhà bán lẻ đừng lỗ là được. Chiết khấu đã nhỉnh lên nhưng cũng duy trì trên dưới 300 đồng/lít xăng, chúng tôi vẫn lỗ nhưng cứ có hàng là sẽ bán thôi", vị này nói.


Từ thực tế kinh doanh, lãnh đạo một DN khác cho biết mỗi cây xăng nhỏ ở TP.HCM đang gánh chi phí mặt bằng khoảng 100-150 triệu đồng, hai năm qua lỗ triền miên nên có nhiều người đã phải sang nhượng lại cây xăng, kể cả người sang lại cũng lỗ. 


Do đó điều quan trọng là giải quyết sao để cả phía đầu mối lẫn DN bán lẻ đều hài hòa lợi ích, đừng để lỗ đến mức sập tiệm.


Cũng theo vị này, cần xem lại vai trò trung gian của các thương nhân phân phối, tổng đại lý bởi thời gian qua không cấp đủ hàng cho các nhà bán lẻ. Để đảm bảo nguồn cung cho cây xăng, vị này cho biết đã có các văn bản để thay đổi nhà cung cấp, sẽ không mua hàng từ DN phân phối mà xin mua hàng trực tiếp từ DN đầu mối để đảm bảo nguồn cung.


Trong khi đó, lãnh đạo Saigon Petro cho biết từ đầu tháng 9, khi thị trường trong nước có dấu hiệu thiếu nguồn cung và phụ phí nhập khẩu cao không thể nhập khẩu, DN này đã chủ động lên kế hoạch đặt hàng trong nước để hàng về kho của Saigon Petro trong đầu tháng 10.


Do bão nên các nhà máy lọc dầu cung cấp hàng chậm 5-7 ngày so với kế hoạch khiến hàng thiếu hụt cục bộ. Tuy nhiên, hiện nguồn hàng đã về và đến 15-10 tiếp tục bổ sung cả xăng lẫn dầu nên đến nay nguồn cung của DN này đã ổn định trở lại, từ nay đến cuối năm sẽ đảm bảo cung ứng đủ cho hệ thống của mình.


Không bán can mang về là thông báo của cửa hàng bán lẻ xăng dầu Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM sáng 12-10 - Ảnh: CÔNG TRIỆU


Các đầu mối đều than lỗ


Trước đó, sáng 12-10, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp khẩn với các DN sản xuất (nhà máy lọc dầu) và các thương nhân đầu mối xăng dầu, cùng sự tham gia của Bộ Tài chính và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam. 


Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau khi kết thúc cuộc họp, lãnh đạo một DN cho biết trong cuộc họp này, các DN nhập khẩu đã chỉ ra những khó khăn dẫn đến lỗ và những bất cập khiến thị trường gặp tình trạng thiếu xăng dầu, cây xăng ngưng hoạt động nhiều nơi thời gian qua.


Theo vị này, các DN đầu mối đều phản ảnh do tình hình giá giảm liên tục, các DN nhập về đã lỗ, ngay cả hàng tồn kho cũng lỗ nên buộc lòng DN phải cắt giảm chi phí, dẫn đến mức chiết khấu thấp. Cũng do lỗ, DN cũng hạn chế nhập hàng, không chỉ đầu mối tư nhân mà cả DN nhà nước, ngoại trừ các DN lớn như Petrolimex hay PVOIL là có nguồn hàng ổn định.


"Làm xăng dầu không bao giờ có lỗ tiền triệu mà mỗi tàu xăng dầu về là lỗ hàng tỉ, hàng chục tỉ, trong khi DN nhà nước phải bảo tồn vốn của Nhà nước. Nếu nhập hàng về lỗ nặng quá, sau này cũng rất khó để báo cáo các cơ quan chủ quản, kiểm toán... Bản thân người đứng đầu DN nhà nước cũng rất khó để đứng vị trí điều hành", vị này nói.


Ngoài ra các DN đều cho rằng việc lấy hàng từ hai nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Bình Sơn (Quảng Ngãi) đối với các đầu mối phía Nam thời gian qua cũng gặp khó do bão, phải sắp hàng nên nửa tháng chưa nhận được hàng. 


Chưa hết, các DN đầu mối phụ thuộc vào tín dụng của ngân hàng để nhập hàng, nhưng khi nghe phương án kinh doanh mà báo lỗ, phía ngân hàng không muốn cho vay, khiến DN khó nhập hàng.


"Rất nhiều lý do chồng chất tại một thời điểm mới có tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở phía Nam hiện nay", vị này nói. Trong khi đó, một DN đầu mối khác phản ảnh rằng do phụ phí nhập khẩu quá cao, chênh lệch lớn so với phụ phí tính trong giá cơ sở, DN nhập về sẽ lỗ nặng nên DN không nhập mà mua của nhà máy trong nước. 


Các đầu mối nhỏ cũng không nhập hàng vì nhập về sẽ lỗ nên gây áp lực đối với DN đầu mối lớn trong khi DN đầu mối lớn cũng gặp khó, kéo theo thiếu xăng cục bộ.


"Sau khi lắng nghe những khó khăn của DN, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị hai nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Bình Sơn giao hàng nhanh cho các nhà máy đã ký, nhất là các DN đầu mối khó mua hàng trên thế giới. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ làm việc lại với Bộ Tài chính để điều chỉnh các chi phí, các quy định liên quan", DN này cho biết.


Sẽ tính đúng, tính đủ chi phí cho DN?


Chiều cùng ngày, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, khi thông tin và giải đáp về tình hình xăng dầu, ông Trần Duy Đông cho biết sau khi tăng mạnh, giá xăng dầu giảm liên tiếp khiến DN bị lỗ nặng. 


"Do thua lỗ nên nhiều DN giảm chiết khấu bán hàng, cắt giảm sản lượng kinh doanh. Tín dụng bị thắt chặt, giá xăng dầu tăng, DN đầu mối không có đủ nguồn tiền để nhập khẩu hàng, nên chỉ duy trì lượng nhập khẩu phục vụ cho hệ thống" - ông Đông nói.


Ngoài ra, việc một số DN đầu mối xăng dầu phía Nam bị tước giấy phép xăng dầu cũng làm ảnh hưởng tới nguồn cung. Không đi thẳng vào các câu hỏi được đặt ra, ông Đông cho hay những nội dung câu hỏi này sẽ được tập hợp để trả lời, đăng tải công khai trên website. 


Theo đó, các giải pháp được nêu ra như kiên trì kiến nghị Bộ Tài chính về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, bổ sung chi phí vận chuyển, đảm bảo tính đúng, tính đủ, tăng lượng hàng nhập, duy trì ổn định nguồn cung thị trường.


Cũng theo ông Đông, sau cuộc họp với doanh nghiệp sản xuất, đầu mối nhằm tháo gỡ khó khăn vào sáng cùng ngày, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung vào các giải pháp như rà soát chi phí vào cơ cấu tính giá, đặc biệt là chi phí đưa xăng dầu nhập khẩu về cảng nhằm tính đúng, tính đủ. 


Ngoài ra, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ để tăng nguồn lực nhập khẩu, mua xăng dầu trong nước, giúp đáp ứng nguồn cung thị trường.


Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng tình hình cung cầu thị trường diễn biến xấu, nhưng đến nay vẫn cơ bản đáp ứng nguồn cung cầu cho sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân. 


Cả nước hiện có 17.000 cửa hàng xăng dầu, số lượng phải tạm ngưng là bao nhiêu, cần thống kê chính xác, nên với vai trò của cơ quan quản lý sẽ nhìn thẳng vào để có trách nhiệm, giải pháp xử lý.


"Trên cả nước có 17.000 cửa hàng, dù một cửa hàng có vấn đề cũng phải giải quyết. Chúng tôi rất mong muốn đưa thông tin cần chính xác, khách quan và tổng thể. Chúng ta phải nhìn thẳng vào nguồn cung, rất khó khăn" - ông Hải cho thông tin thêm về việc nhập khẩu xăng dầu giảm tới 30-40%, là do DN không chỉ mua từ nguồn nhập khẩu xăng dầu mà còn mua nguồn trong nước.


Vẫn còn cửa hàng "hết xăng, còn dầu"


Trong ngày 12-10, ghi nhận của Tuổi Trẻ trên các tuyến đường từ quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận... hướng về trung tâm TP.HCM cho thấy nhiều cây xăng đã mở cửa, khách hàng không phải chờ đợi quá lâu để đến lượt mua xăng. Tuy nhiên, vẫn có một số cây xăng chưa có hàng để bán.


Vào 9h ngày 12-10, cây xăng 178 trên đường Lê Quang Định (Bình Thạnh) vẫn để rào chắn, nhân viên cây xăng này giải thích vẫn đang chờ nhập hàng.


Ghi nhận tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu KCN Tân Bình mở rộng (phường Bình Hưng Hòa, Bình Tân) cho thấy lượng người đến đổ xăng tại đây không quá đông như các ngày trước nên không còn cảnh xếp hàng, chen lấn... Tuy nhiên, mỗi xe máy chỉ được đổ tối đa 50.000 đồng, xe ba gác đổ 100.000 đồng và ô tô là 500.000 đồng.


Theo anh Nguyễn Thanh Kỳ - nhân viên của cây xăng trên, lượng xăng đang bán ra vẫn là hàng tồn từ đợt nhập trước với chiết khấu 0 đồng, chưa được nhà cung cấp báo chiết khấu mới. "Nghĩa là giờ bán vẫn lỗ, nhưng có xăng mà không bán cho bà con cũng không được", anh Kỳ nói.


Buổi sáng cùng ngày, trong ba cửa hàng xăng trên đoạn đường chỉ hơn 4km từ KCN Vĩnh Lộc đến cầu Bình Thuận, dọc quốc lộ 1 có một cửa hàng xăng dầu (Vĩ Phong) vẫn treo biển hết xăng, còn dầu. Theo anh Nguyễn Văn Huy - cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu Vĩ Phong, cửa hàng đã không còn xăng để bán từ thứ bảy tuần trước.


"Phải tới chiều mới có xăng lại để bán", anh Huy nói. Cách đó khoảng năm bước chân, một người đàn ông bán xăng lẻ bằng can 2 lít giá 70.000 đồng. Khi bị người dân chê đắt, người đàn ông này lập tức nói: "Vậy đi kiếm cây xăng mà đổ".

C.TRUNG - C.TRIỆU - NHẬT XUÂN

TP.HCM: 1-2 ngày nữa thị trường sẽ trở lại bình thường

Người dân đổ xăng thoải mái tại cây xăng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM tối 12-10 - Ảnh: T.T.D.


Tại buổi họp báo định kỳ quý 3-2022, do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức chiều 12-10, ông Đào Văn Hùng - phó giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) - cho biết số lượng cửa hàng xăng dầu của đơn vị chiếm khoảng 20% trong tổng số 550 cửa hàng trên địa bàn nhưng sản lượng chiếm 40% thị phần.


Thời gian qua, nhu cầu xăng dầu đổ dồn về hệ thống Petrolimex với mức tăng khoảng 135% so với bình thường. Tuy vậy, áp lực đã giảm nhiều nhờ nguồn cung xăng dầu từ các hệ thống khác cũng đã tăng lên.


"Tại tổng kho xăng dầu của chúng tôi ở TP.HCM đang tồn kho trên 300.000m3, dự kiến ngày mai chúng tôi nhập thêm 40.000m3, ngày mốt là 40.000m3 và hai ngày cuối tuần có thêm 20.000m3 xăng dầu nữa. Nguồn cung kỳ vọng đảm bảo được trong tháng 10. Khả năng 1 hoặc 2 ngày tới thị trường xăng dầu trong hệ thống sẽ dần trở lại bình thường", ông Hùng nói.


Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM, số lượng cửa hàng nhập xăng dầu về để phục hồi việc kinh doanh đến ngày 12-10 là hơn 67%. Số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm nghỉ trong vài ngày qua chiếm tỉ lệ 20-25%, nhưng đang có xu hướng giảm dần.


"Chúng tôi đã kiểm tra rất sát các cửa hàng xăng dầu, và cho đến nay chưa phát hiện trường hợp chủ động ghim hàng để thu lợi bất chính", ông Đạt khẳng định.


Phát biểu tại buổi họp báo, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - khẳng định TP đã cơ bản đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đồng thời cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị để tính toán việc phân phối hợp lý, hạn chế tình trạng chỗ thừa nơi thiếu.

NGUYỄN TRÍ