Để đổi giấy phép lái xe qua Cổng dịch vụ công quốc gia, chị Phương Linh sẽ phải đến phường làm chứng thực điện tử giấy khám sức khỏe, mất phí chứng thực.
Giấy phép lái ôtô B2 chỉ còn 2 tháng nữa hết hạn, chị Phương Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vội tìm hiểu cách thức đổi giấy phép lái xe qua Cổng dịch vụ công quốc gia để không phải xếp hàng làm thủ tục tại cơ quan cấp đổi.
Chị đăng ký tài khoản trên trang dichvucong theo số điện thoại. Sau 3 lần đăng ký không thành công, chị mới biết cần sử dụng số chứng minh thư cũ thay vì số căn cước công dân để khớp với số điện thoại đã đăng ký. Sau khi đăng nhập, khai thông tin, đến phần giấy khám sức khỏe điện tử, chị không biết làm cách nào vì chỉ có giấy khám sức khỏe giấy.
Đọc hướng dẫn, chị mới biết cần làm chứng thực điện tử giấy khám sức khỏe tại UBND phường, sau đó mới có thể tiếp tục đổi bằng lái xe. "Vì phải ra phường làm thủ tục và mất thêm phí chứng thực nên tôi từ bỏ ý định đổi giấy phép lái xe qua mạng. Tôi đã trực tiếp đến cơ quan đổi bằng lái xe, họ giải thích cụ thể và sau một tuần có giấy phép lái xe mới", chị Linh kể.
Không chỉ chị Linh, nhiều người ban đầu hào hứng làm thủ tục qua mạng vì tiết kiệm thời gian, công sức, nhưng sau gặp rắc rối với các loại thủ tục nên từ bỏ.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, năm 2021 có 12 địa phương thí điểm đổi giấy phép lái xe dịch vụ công cấp 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia (người dân ngồi nhà, gửi hồ sơ trực tuyến đến cơ quan giải quyết thủ tục hành chính và nhận kết quả qua bưu điện). Trong đó, 8 địa phương tiếp nhận và trả được 131 giấy phép lái xe, nhiều nhất là Hải Phòng với 55, Hà Nội 34, Hà Nam 29. Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Nam và Quảng Ninh không trả thành công hồ sơ nào.
Từ ngày 31/5/2022, toàn bộ 63 Sở Giao thông Vận tải thực hiện đổi giấy phép lái xe dịch vụ công cấp độ 4. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay cả nước chỉ có 26 giấy phép được đổi qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Lý giải về số giấy phép lái xe được đổi quá thấp, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), nói năm trước khi các Sở Giao thông Vận tải bắt đầu thí điểm dịch vụ công cấp 4, cán bộ thường hỗ trợ người dân đăng ký. Từ năm 2022, người dân phải tự thực hiện và gặp vướng mắc về quy trình, thủ tục.
Ông Thống chỉ ra vướng mắc như người dân đã khám sức khỏe tại cơ sở y tế, sau đó vẫn phải đến UBND cấp xã chứng thực điện tử, được trả kết quả trong 5 ngày và mất thêm phí chứng thực. Nhiều người không thể đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia do số chứng minh thư hoặc số căn cước công dân khi đăng ký tài khoản dịch vụ công không trùng với số đã đăng ký sử dụng điện thoại di động, khi đi khám sức khỏe, khi cấp giấy phép lái xe.
Người dân phải có tài khoản ngân hàng thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc hoàn trả lại tiền khi đăng ký không thành công chậm do lệ phí được chuyển vào kho bạc cũng là hạn chế đối với người sử dụng dịch vụ.
Mặt khác, dữ liệu giấy phép lái xe bị tước quyền sử dụng của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) chưa đầy đủ, chưa liên thông khiến cán bộ nghiệp vụ ngành giao thông phải tra cứu thêm trên nhiều phần mềm khi kiểm tra hồ sơ của lái xe.
Ngành y tế chưa mở rộng các đơn vị cung cấp dữ liệu giấy khám sức khỏe trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện chỉ có 3 bệnh viện ở Hà Nội và 8 cơ sở y tế tại Hà Nam cung cấp dữ liệu giấy khám sức khỏe điện tử. "Ngành giao thông cũng không thể xác định được giấy khám sức khỏe lái xe là thật hay giả nên cần đơn vị y tế tích hợp dữ liệu sức khỏe của người dân", ông Thống nói.
Ông Phạm Thành Lâm, Phó cục trưởng Y tế giao thông vận tải, cho rằng lẽ ra cổng thông tin của Bộ Y tế phải công bố những cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe, từ đó mới có căn cứ xác định tính chính xác của giấy khám sức khỏe. Vì không làm được việc này nên nảy sinh tình trạng người dân bị lừa đảo mua giấy khám sức khỏe giả.
Để giải quyết các vướng mắc trên, chiều 22/9, ông Nguyễn Xuân Cường, quyền Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, đã yêu cầu đơn vị trực thuộc làm việc với Bộ Y tế để có lộ trình đưa dữ liệu giấy khám sức khỏe lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Mỗi quận, huyện cần có 3-4 cơ sở y tế khám sức khỏe lái xe và đưa dữ liệu lên cổng dịch vụ công. Phía Tổng cục sẽ phối hợp với Bộ Công an chia sẻ dữ liệu xử phạt lái xe để việc rà soát hồ sơ được nhanh chóng.
Ông Cường nhận định, mỗi năm cả nước có khoảng 2 triệu giấy phép lái xe cần cấp đổi. Nếu áp dụng công nghệ thông tin hiệu quả, việc này sẽ tạo thuận lợi, giảm thời gian, công sức đi lại cho người dân.