Để GPLX quá hạn 3 tháng trở lên có thể bị phạt đến 12 triệu đồng

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Trong đó, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung, tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm.


Phạt 12 triệu đồng nếu để GPLX quá hạn


Trong đó, đáng chú ý tại dự thảo sửa đổi lần này có tăng mức xử phạt đối với hành vi Người có giấy phép lái xe (GPLX) ô tô để quá hạn, được chia thành 2 mức: GPLX quá hạn dưới 3 tháng và quá hạn trên 3 tháng.


Cụ thể, chủ phương tiện có GPLX nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng dưới 3 tháng, có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 – 7.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô.


Đối với chủ phương tiện có GPLX nhưng đã hết hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên, không có GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 – 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô. (Quy định hiện hành, mức xử phạt GPLX ô tô để quá hạn 6 tháng từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng)


Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng tăng mức xử phạt từ 800.000 – 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh dưới 175cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô không có GPLX hoặc sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa.


Riêng, đối với người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh trên 175cm3 không có GPLX hoặc sử dụng giấy phép hết hạn, có thể bị xử phạt từ 4.000.000 – 5.000.000 đồng. (Quy định hiện hành, mức xử phạt với lỗi vi phạm này là 3.000.000 – 4.000.000 đồng)


Theo Bộ GTVT, việc tăng mức xử phạt lần này nhằm ngăn chặn tình trạng người vi phạm không xuất trình GPLX để chấp nhận nộp phạt thay vì bị tước bằng lái.



Sản xuất biển số trái phép có thể bị phạt đến 70 triệu đồng


Cũng tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100, quy định mức phạt tiền từ 10.000.000 – 12.000.000 đồng đối với cá nhân và 20.000.000 – 24.000.000 đồng đối với tổ chức nếu có hành vi Bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. (Quy định hiện hành, mức xử phạt cá nhân là 1.000.000 – 2.000.000 đồng, còn tổ chức là 2.000.000 – 4.000.000 đồng).


Đặc biệt, đối với hành vi Sản xuất biển số trái phép, mức xử phạt cũng tăng lên 30.000.000 – 35.000.000 đồng đối với cá nhân (hiện là 3.000.000 – 5.000.000 đồng) và 60.000.000 – 70.000.000 đồng đối với tổ chức (hiện là 6.000.000 – 10.000.000 đồng).


Ngoài ra, với các hành vi: Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ-moóc và sơmi rơ-moóc); người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng (hiện là 800.000 – 1.000.000 đồng).

 

Theo VOV