Theo Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT trước ngày 31/12/2022 các trung tâm đào tạo lái xe trên cả nước phải trang bị và sử dụng “ca bin ảo” để học viên thực hành. Quy định này đang khiến các trung tâm đào tạo lẫn học viên lo ngại, phản ứng trái chiều.
Có thực sự hữu ích
Theo quy định nêu trên, các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin tập lái để học viên học từ ngày 1/1/2023. Học viên có tối thiểu bốn giờ thực hành các bài cơ bản như cách vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch, làm quen với các bài về địa hình như đường đồi núi, cao tốc.
Nhiều người có ý định học lái xe ô tô cũng bày tỏ lo ngại, việc thêm chỉ có 4 giờ học cabin ảo vào giáo trình thôi không thấm vào đâu mà còn khiến người học tốn kém thêm không ít chi phí. Chị Nguyễn Thị Hương (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) nói: “Tôi nói thẳng, cần “cabin ảo” để làm gì nếu không có phần thi liên quan. Mọi thao tác, kiến thức điều khiển xe phải cho học viên thực hành trên xe thật, đường thật mới có hiệu quả”.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, Phó trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT TP Hà Nội Nguyễn Hồng Đạt cho hay, hiện trên địa bàn TP chưa có đơn vị nào đầu tư, lắp đặt cabin điện tử. “Thiết bị cabin điện tử đến nay chưa có đơn vị nào là nhà cung cấp chính được Bộ GTVT chấp thuận quy chuẩn. Do đó, các đơn vị đào tạo lái xe vẫn đang còn loay hoay, chưa biết mua thiết bị cabin điện tử ở đâu, thế nào là phù hợp, đúng quy định” - ông Nguyễn Hồng Đạt nói, đồng thới nhận định.
Trên thực tế, việc đào tạo lái xe sẽ đem lại hiệu quả hơn khi học viên được di chuyển thực tế trên đường. Còn hiệu quả của việc áp dụng đào tạo trên cabin điện tử thì cần thời gian mới có thể đánh giá được.
Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe Đức Thịnh, Hà Nội Nguyễn Đức Hải cho biết, đến nay việc học bằng cabin vẫn chưa có quy chuẩn, chưa được thí điểm ở bất kỳ đâu để rút kinh nghiệm, không biết sẽ có tồn tại, hạn chế gì, khắc phục như thế nào.
Ông Nguyễn Đức Hải cho rằng: “Theo tôi việc học cabin phải học hàng chục giờ, chứ 3, 4 giờ học viên cũng sẽ không nắm rõ được kiến thức. Không đem lại gì hữu ích cho học viên”. Được biết thời hạn áp dụng quy định bắt buộc sử dụng “cabin ảo” đã được Bộ GTVT lùi một lần. Thời gian qua, Bộ GTVT cũng đã có nhiều cuộc đối thoại với Sở GTVT cũng như các đơn vị đào tạo lái xe trên địa bàn Hà Nội về vấn đề này nhưng chưa có câu trả lời thuyết phục.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, việc áp dụng cabin điện tử vào đào tạo lái xe là một biện pháp hay để giúp học viên làm quen trước khi ra thực địa. “Tuy nhiên nếu chỉ cho học viên học có 4 giờ, lại chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn chung rõ ràng cho cả máy lẫn bài giảng, chưa thí điểm để đánh giá mà đã sử dụng mệnh lệnh hành chính để buộc trường lái trang bị, áp dụng trong đào tạo là chủ quan, khinh suất” – ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Nguy cơ lãng phí nghìn tỷ?
Phó trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hồng Đạt chia sẻ, qua 2 cuộc đối thoại với Bộ và Sở, các đơn vị đào tạo lái xe trên địa bàn đều bày tỏ mong muốn được lùi thời gian bắt buộc lắp đặt, áp dụng cabin điện tử.
“Các đơn vị đề xuất nên thí điểm áp dụng cabin điện tử đối với một số trung tâm đào tạo trước để đánh giá. Tôi cho rằng đề xuất đó là phù hợp với tình hình hiện tại. Qua công tác thí điểm sẽ đánh giá được hiệu quả của việc áp dụng cabin điện tử vào đào tạo lái xe, nếu đem lại hiệu quả cao sẽ áp dụng rộng rãi ở tất cả các đơn vị” – Ông Nguyễn Hồng Đạt nói.
Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe Đức Thịnh Nguyễn Đức Hải giãi bày: “Hai năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đào tạo lái xe hầu như bị tạm dừng, các đơn vị không còn nguồn lực. Bên cạnh đó, theo quy định mới về đào tạo, sát hạch lái xe, các trung tâm lại vừa đầu tư mới phần mềm, thiết bị mô phỏng 120 tình huống nguy hiểm trên máy tính; thiết bị giám sát hành trình... kinh phí rất lớn.
Nếu bây giờ lại lắp đặt cabin điện tử nữa với kinh phí ước tính lên đến cả chục tỷ đồng thì rất khó khăn cho đơn vị. Chúng tôi vô cùng băn khoăn. Hiện chưa có thí điểm, chưa đánh giá được kết quả; nếu một thời gian sau lại bỏ không áp dụng nữa thì chúng tôi biết dùng cabin điện tử vào việc gì, bán ai mua?”.
Theo ước tính, cả nước hiện có 383 đơn vị đào tạo lái xe, tổng chi phí đầu tư cho “cabin ảo” khoảng 2.000 tỷ đồng. Đó là con số không nhỏ và nếu quả thực không mang đến hiệu quả, buộc phải dừng sử dụng “cabin ảo” thì lãng phí nguồn lực xã hội vô cùng lớn.
Nhiều đơn vị đào tạo lái xe tại Hà Nội tỏ ra khá hoang mang trước mốc thời hạn do Bộ GTVT đưa ra. Vừa qua, nhiều cơ sở đào tạo đã phải đầu tư vào phần mềm mô phỏng 120 tình huống nguy hiểm. Trong khi các cơ sở sát hạch thì phải đầu tư hẳn thêm một phòng máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng để sát hạch, chi phí khá lớn, khoảng 500 triệu đồng/đơn vị. Đối với thiết bị giám sát số km học viên di chuyển, bình quân một đơn vị có khoảng 150 xe phải tiêu tốn đến 1,5 tỷ đồng.
“Bây giờ lại tiếp tục đầu tư cabin là gánh nặng quá lớn đối với đơn vị. Theo tôi nên lùi thời gian lắp cabin điện tử đến khi nào đánh giá được kết quả khác biệt giữa các học viên có và không học cabin điện tử” – Giám đốc Công ty CP Thành Đạt Lại Thế Chất nêu ý kiến.
Bộ GTVT nên cho một số đơn vị đào tạo lái xe hoạt động bằng kinh phí Nhà nước thí điểm ứng dụng cabin điện tử trong một, hai khóa đào tạo trước, sau đó xây dựng lộ trình cụ thể cho các đơn vị tư nhân. Vì các đơn vị đào tạo công không phải chịu nhiều chi phí như trường lái tư, có điều kiện đầu tư thí điểm hơn.
Giám đốc Công ty CP Thành Đạt Lại Thế Chất cho biết.