Ôtô bị tàu hỏa đâm vẫn có thể được bảo hiểm bồi thường

Tàu hàng đâm ôtô đỗ sát đường ray

 

 

Chiều ngày 5/6, tài xế chiếc Hyundai Creta đỗ xe sát đường tàu gần chợ Cổ Nhuế (Nam Từ Liêm, Hà Nội) để đi chợ. Sau khi người dân phát hiện tàu chở hàng sắp chạy qua đã báo hiệu cho chủ xe. Tuy vậy, tài xế không kịp lái xe ra nơi khác, đoàn tàu húc trúng đầu ôtô gây hư hỏng nặng. Tình huống này đặt ra nhiều thắc mắc của độc giả về các vấn đề liên quan tới trách nhiệm bồi thường cũng như đền bù.

Tài xế có vi phạm luật giao thông?

Trường hợp này, tài xế vi phạm quy định không được dừng, đỗ xe trong phạm vi an toàn đường sắt. Cụ thể, Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt quy định, phạt tiền 800.000-1.000.000 đồng với tài xế dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt.

Theo Nghị định 56/2018 quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường không đào, không đắp tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra là 7,5 m với đường sắt tốc độ cao, 5,4 m với đường sắt đô thị và 5,6 m với những đường sắt còn lại.

Ôtô hư hỏng có được bảo hiểm đền bù?

Người sử dụng ôtô thường tham gia hai loại bảo hiểm, đầu tiên là bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (bắt buộc) và thứ hai là bảo hiểm vật chất xe cơ giới hay gọi tắt là bảo hiểm thân vỏ (tự nguyện). Trong trường hợp nói về việc xe có được bảo hiểm đền bù hay không, tức đang nói về bảo hiểm thân vỏ. Loại bảo hiểm này sẽ giúp chủ xe được đền bù khi xe bị hư hại trong một số trường hợp.

Luật sư Đặng Thành Chung, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể về bảo hiểm thân vỏ mà quy tắc bảo hiểm sẽ do các công ty bảo hiểm quyết định, tùy vào chính sách của từng hãng bảo hiểm mà chi tiết hợp đồng sẽ khác nhau. Do đó, để biết chủ xe có được bảo hiểm vật chất hay không cần phải căn cứ vào quy định cụ thể trong hợp đồng.

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có quy định về điều khoản loại trừ, tức các trường hợp hãng bảo hiểm không phải bồi thường. Nhưng điều khoản này cần được ghi cụ thể, chi tiết, rõ ràng trong hợp đồng mới có thể xác định. Tức về mặt lý thuyết, chủ xe hoàn toàn có thể được bảo hiểm.

Chiếc Hyundai Creta trong bài được chủ xe mua bảo hiểm thân vỏ của Công ty bảo hiểm hàng không (VNI Kinh Đô). Nguồn tin của VnExpress từ VNI Kinh Đô cho biết, trong hợp đồng của chiếc xe này không có nội dung nào quy định về việc xe đỗ ở đường sắt bị tàu đâm hoặc tài xế vi phạm giao thông thì có được đền bù hay không. Hiện hãng vẫn đang thảo luận nội bộ, chưa đưa ra quyết định cuối cùng về hướng xử lý.

Đầu ô tô dập nát sau vu va chạm. Ảnh: Vinh Quang

Đầu ô tô dập nát sau vu va chạm. Ảnh: Vinh Quang

Nếu vụ va chạm dẫn tới thiệt hại về người và tài sản trên tàu, tài xế phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Luật sư cho biết, chủ xe đã vi phạm luật giao thông, nên nếu vụ va chạm dẫn đến thiệt hại về người và tài sản trên tàu thì tài xế có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Cụ thể, chủ xe có thể bị truy cứu tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, với mức hình phạt đến 15 năm tù và bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự.

Nếu ôtô bị tàu hỏa đâm va vào người/xe khác, bảo hiểm có đền bù?

Giả sử trong trường hợp này, tàu hỏa đâm ôtô, sau đó ôtô văng vào người/xe đi qua, có thể được xem xét như là sự kiện bất khả kháng, rủi ro cho bên xe thứ ba. Theo các quy định đã phân tích ở trên thì bản thân xe thứ ba cũng phải chấp hành bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và có thể là cả bảo hiểm vật chất, luật sư cho biết. Do đó, trường hợp này xe thứ ba có thiệt hại thì có thể được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường căn cứ quy định tại hợp đồng bảo hiểm.

Nếu trên xe có người và bị thương vong, bảo hiểm có đền bù?

Nghị định 67/2023 khi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba và bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách nếu nguyên nhân dẫn đến thiệt hại là do ôtô gây ra.

Tuy nhiên, hãng bảo hiểm sẽ không phải bồi thường trong các trường hợp: đây là hành động cố ý gây thiệt hại, lái xe bỏ chạy sau tai nạn, không thực hiện trách nhiệm của chủ xe, tài xế không đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, giấy phép không hợp lệ, hết hạn, tài xế dùng ma túy, cồn, chất kích thích...

Tuy nhiên, để xác định trường hợp này có được bồi thường hay không thì cần phải căn cứ vào các quy định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm.

Nguyên Vũ