Trong tình huống ôtô gây tai nạn liên hoàn vì bám sát xe phía trước, rất nhiều tài xế cho rằng việc xe tải phía sau không kịp phanh là bởi xe phía trước dừng đột ngột. Tuy vậy, theo luật sư cũng như thực tế những tai nạn đã diễn ra, CSGT sẽ phân định lỗi của từng tài xế một cách riêng biệt, tức không thể đổ lỗi vì xe phía trước phanh gấp mà xe phía sau không thể phản ứng.
Theo đó, Thông tư 31/2019 của Bộ GTVT về tốc độ và khoảng cách an toàn quy định, khi lái xe trên đường, tài xế phải chấp hành quy định về khoảng cách an toàn tối thiểu theo luật, đồng thời cũng cần phù hợp với điều kiện thực tế của đường, mật độ giao thông, thời tiết, địa hình cũng như các yếu tố khác ảnh hưởng. Ví dụ, khi trời mưa, khoảng cách phải tăng lên so với trời tạnh ráo.
Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe theo Thông tư 31/2019 như sau:
Tốc độ lưu hành (km/h) | Khoảng cách an toàn tối thiểu (m) |
Dưới 60 | Chủ động khoảng cách phù hợp |
60 | 35 |
60-80 | 55 |
80-100 | 70 |
100-120 | 100 |
Khoảng cách an toàn cần có được tính toán để tài xế có đủ thời gian phản ứng, đưa ra quyết định phanh nếu gặp tình huống bất ngờ. Tùy từng loại xe, khoảng cách để phanh dừng là khác nhau. Xe càng to lớn, càng nặng, quán tính lớn, càng cần quãng đường dài hơn để phanh.
Ví dụ ở hình trên, theo tính toán từ nguồn của cơ quan an toàn đường bộ Pháp, tại tốc độ 90 km/h, tài xế sẽ cần 25 m để nhận biết vấn đề và 45 m để phanh, tức tổng 70 m từ khi phát hiện vấn đề tới lúc xe dừng tránh. 70 m cũng là khoảng cách tối thiểu theo luật Việt Nam.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021, tài xế sẽ bị phạt 800.000-1.000.000 đồng nếu không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước, phạt 4-6 triệu với lỗi tương tự nhưng diễn ra trên đường cao tốc và phạt 10-12 triệu nếu việc không giữ an toàn khiến xảy ra tai nạn giao thông, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2-4 tháng.
Ngay cả trong trường hợp khoảng cách đủ lớn, tài xế vẫn cần phải tập trung quan sát luồng giao thông phía trước để đưa ra nhận định sớm cho các tình huống bất ngờ. Với tình huống trong video trên, tài xế đi với tốc độ dưới 60 km/h, khoảng cách với xe tải là khoảng hơn 30 m, tức đủ thời gian để phản ứng và phanh dừng. Nhưng trong video, từ khi xe phía trước phanh tới khi va chạm, xe gắn camera hành trình gần không giảm tốc. Vì vậy, giữ khoảng cách an toàn là điều kiện cần, tài xế còn phải luôn tập trung quan sát mới là điều kiện đủ để không đâm đuôi xe phía trước.
Trong thực tế lưu thông, một chiếc xe phía trước có thể phanh gấp đột ngột vì những lý do có thể làm người khác "nổi điên" như đi quá lối rẽ, dừng mua hàng, thì còn nhiều nguyên nhân để một chiếc xe dừng đột ngột như bất ngờ có người cắt ngang, có người đi bộ nhảy ra đường, có xe phía trước gặp sự cố... Do đó, đổ lỗi cho xe trước trong tai nạn liên hoàn, theo các luật sư, là không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Các chuyên gia lái xe an toàn khuyên, người điều khiển phương tiện cần học cách đọc tình huống và quan sát rộng. Ví dụ trong video trên, không chỉ xe tải mà chiếc xe bán tải ở làn bên cạnh cũng phanh đỏ đèn, lúc này tài xế cần lập tức buông ga, rà phanh để giảm nhịp lăn bánh, sẵn sàng hai lựa chọn đánh lái hoặc phanh "chết" để tránh đám đông phía trước.
Nguyên Vũ