Tuy động cơ diesel sở hữu nhiều ưu điểm, nhưng chúng cũng có một số nhược điểm như tiếng kêu của máy ồn, chi phí cho bảo dưỡng sửa chữa và phụ tùng thay thế cũng cao hơn so với xe máy xăng. Ngoài ra, xe sử dụng máy dầu có một số bệnh khá đặc biệt, khác hẳn với các xe sử dụng máy xăng.
Dưới đây là một số bệnh hay gặp trên các xe ô tô máy dầu:
Khó khởi động máy khi trời lạnh
Khác với xe máy xăng, xe máy dầu không dùng bugi đánh lửa để đốt hỗn hợp xăng và không khí mà sử dụng nhiệt lượng từ khí nén để đốt dầu khi dầu được bơm vào buồng đốt. Bản thân nguyên tắc khởi động này khiến cho những chiếc xe máy dầu rất khó khởi động vào mùa đông hay khi trời lạnh.
Nhiều chuyên gia về kỹ thuật ô tô còn cho rằng, nhiệt độ thấp còn làm dầu bôi trơn trở nên đặc hơn, khả năng bôi trơn giảm xuống, tăng lực cản làm mất nhiều công khởi động. Nhiều trường hợp xe khó khởi động, hoặc không khởi động được do động cơ chưa đạt được tốc độ quay cần thiết thì ắc-quy đã hết điện.
Để khắc phục, bạn đừng vội vàng khởi động máy ngay mà có thể bật khóa điện nhiều lần để sấy nóng không khí. Khi bật-tắt khoảng 4 đến 5 như vậy sẽ khiến động cơ dễ nổ hơn. Lúc động cơ đã nổ, bạn cũng đừng đạp ga ngay, để chạy garanti một lúc, đệm ga lên từ từ rồi mới khởi hành.
Nếu quá khó nổ, một số "tài già" còn sử dụng nước sôi, dội từ từ vào khu vực bơm cao áp và bầu lọc nhiên liệu để tăng dần nhiệt độ nhiên liệu, giúp cho việc lưu thông và bay hơi của nhiên liệu dễ dàng hơn.
Ngoài ra, hiện tượng khó khởi động trên xe máy dầu còn có thể đến từ nguyên nhân là ắc-quy và các đầu nối tiếp xúc bị hỏng, bẩn, không tiếp xúc hoặc tiếp mát không tốt. Để khắc phục, bạn nên nạp điện hoặc thay bình điện ắc-quy khác, đồng thời vệ sinh và siết chặt lại những đầu nối của bình điện.
Động cơ bị quá nhiệt
Động cơ bị quá nóng gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận hành và các bộ phận khác như các van, áp, gioăng, xéc măng. Hiện tượng này có thể đến từ nhiều nguyên nhân như: Thiếu nước làm mát, nước mát bị rò rỉ, két nước bẩn hoặc bị tắc, hỏng van hằng nhiệt; quạt gió mất tác dụng;...
Ở ô tô máy dầu, việc động cơ bị quá nhiệt càng dễ xảy ra hơn bởi áp suất và nhiệt độ trong buồng cháy cao, áp suất phun dòng nhiên liệu cũng cao hơn xe máy dầu để nhiên liệu có thể bốc cháy.
Để hạn chế xe bị quá nhiệt, bạn hãy thường xuyên kiểm tra hệ thống nước làm mát xem chúng có bị rò rỉ không, đồng thời kiểm tra van bằng nhiệt, các đường ống dẫn nước và vệ sinh sạch sẽ két nước định kỳ.
Xe "nhả" khói đen
"Nhả" khói đen là bệnh khá hay gặp trên các xe máy dầu, nhất là xe đời cũ. Về bản chất, khói đen chính là nhiên liệu diesel bị đốt không hết và thải ra ngoài. Nếu chỉ có khói đen lúc khởi động hoặc tăng tốc thì là điều bình thường, nhưng khói đen xuất hiện thường xuyên và đậm đặc lại là bệnh cần xử lý.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này, thường gặp nhất là do lọc gió bị bẩn, tắc dẫn đến nghẹt. Bạn nên kiểm tra chi tiết này và tiến hành vệ sinh, thay thế hợp lý.
Quá trình đốt cháy diesel cũng không đạt hiệu quả nếu kim phun nhiên liệu ô tô bị nghẹt tắc dẫn đến việc nhiên liệu không bị đốt cháy hết, thải ra ống xả làm xe ô tô bị khói đen. Để khắc phục, bạn có thể đến gara để kiểm tra vệ sinh kim phun nhiên liệu.
Ngoài ra, lọc nhiên liệu bị tắc cũng là một trong các nguyên nhân xe ô tô nhả khói đen. Khi đó, nhiên liệu và buồng đốt không ổn định, dễ bị cháy sớm hoặc cháy muộn khiến nhiên liệu không bị cháy hết, thải ra đường ống xả, dẫn đến hiện tượng xe ô tô bị ra khói đen.
Để xử lý lỗi này, cần vệ sinh lọc nhiên liệu ô tô. Các chuyên gia khuyên rằng, nên thay lọc nhiên liệu định kỳ và không quá 40.000 km vận hành.
Tốn nhiên liệu bất thường
Dầu diesel kém chất lượng sẽ khiến xe bị tiêu hao nhiên liệu hơn bình thường. Bên cạnh đó, bơm cao áp chỉnh sai, bộ hơi mòn, đường ống nhiên liệu rò rỉ và mức dầu nhờn động cơ cao cũng là yếu tố khiến nhiên liệu bị bào mòn nhanh chóng. Do đó, bạn cần kiểm tra áp suất cuối kỳ nén, chỉnh lại bơm cao áp và thay nhiên liệu để xe hoạt động tốt trở lại.
Ngoài ra, khi xy lanh bị mòn, động cơ hoạt động không hiệu quả. Khi này áp suất khí nén sẽ không thỏa mãn được điều kiện để quá trình đốt cháy diễn ra triệt để nên gây tình trạng nhiên liệu đốt bị thừa. Lỗi này không chỉ gây khói đen mà khiến nhiên liệu bị tốn bất thường.
Động cơ bị đuối, hụt ga
Nguyên nhân xe bị đuối, xe bị hụt ga có thể do xy lanh không được cung cấp đủ nhiên liệu; nhiên liệu được phun vào xy lanh quá sớm hoặc quá muộn do cơ cấu truyền động của bơm bị mòn, bơm nhiên liệu bị hỏng hóc; nhiên liệu phun ít, không đủ số lượng bởi muội than bám ở kim phun; chất lượng nhiên liệu quá kèm, đặc biệt là trong nhiên liệu có lẫn nước.
Để khắc phục, bạn cần mang xe của mình đến các gara để kiểm tra, vệ sinh, bảo dưỡng và thay thế các bộ phận có vấn đề.
Ngoài ra, nhiều xe máy dầu có tốc độ không tải thấp. Nguyên nhân là do lõi lọc bị tắc và thùng chứa còn ít nhiên liệu. Cách khắc phục tốt nhất là chủ xe nên thay, vệ sinh lõi lọc, tiếp thêm nhiên liệu và chỉnh lại tốc độ động cơ ở chế độ không tải.