Sau 2 tháng cho chiếc Kia Pride đời 2004 nằm xưởng để kiểm tra tổng thể thân vỏ, vá mọt và sơn lại, Gia Kiên (Thanh Hóa) tốn 16 triệu đồng nhưng nhận lại xe với nhiều lỗi vặt, dù garage sau đó đã khắc phục. Nhưng điều khiến chủ chiếc xe đã lăn bánh gần 20 năm tá hỏa, là hai tháng sau anh nhận ra các chỗ sơn bị nổ, nứt, bong tróc, rỉ sét. Kiên đục những nơi bị hỏng thì phát hiện dưới lớp sơn bả (ma tít - mastic), một số chỗ kim loại bị co, méo không được kéo thẳng, đặc biệt vài nơi thủng lỗ đã được dùng tôn, thậm chí vỏ lon nước ngọt để trám.
Chủ xe cho biết, chiếc Pride cũ mua lại, đã qua nhiều đời chủ nên không thể biết cách sửa chữa chắp vá này là từ khi nào, nên không thể quy kết trách nhiệm. Tuy vậy, Kiên cảm thấy khó hiểu khi garage gần nhất sửa chữa đồng, sơn không phát hiện ra, hoặc phát hiện nhưng không thông báo cho anh.
"Quá trình sửa, garage đều gửi cho tôi ảnh các vị trí trét bả để chuẩn bị sơn, trong đó có vị trí thủng mà sau này tôi phát hiện ra, chẳng lẽ thợ lại không biết", Kiên nói. Xe mất thẩm mỹ, đồng thời lo lắng về độ an toàn, Kiên đã để lại xe ở garage chờ làm rõ mọi chuyện.
Tuấn Vũ (TP HCM) cũng có trải nghiệm tương tự khi đưa chiếc Suzuki Super Carry đi "tút" lại vào tháng 5. Chi phí Vũ bỏ ra là 24 triệu đồng cho việc thay 4 lồng vè, làm đồng quanh xe, sơn từ trong ra ngoài, kể cả chi phí hỗ trợ đăng kiểm. Sau 4-5 tháng, anh phát hiện các vết nổ sơn, rỉ sét xuất hiện ở nhiều vị trí, anh đi sơn dặm lại vẫn tại garage đó, nhưng cho đến nay "bệnh" của xe vẫn tái phát.
"Họ xử lý lớp nền không tốt, nên xe của tôi đi chưa lâu lại bong tróc, gỉ sét nhìn rất mất thẩm mỹ, trong khi tôi bỏ nhiều tiền ra để tân trang toàn diện", Vũ chia sẻ.
Đối với các xe bị hư hỏng, mục nát phần vỏ ngoài, việc xử lý tốt lớp vỏ và bề mặt là một công đoạn rất quan trọng để phục hồi xe. Theo Trần Minh Định, chủ một garage tại TP HCM, thân vỏ ôtô được cấu tạo bởi nhiều loại vật liệu, do đó khi hư hỏng cần chọn đúng cách thức phục hồi, cùng vật liệu để trám lớp thủng để có thể mang lại kết quả tốt nhất, giúp lớp sơn bền bỉ với thời gian.
Anh Định cho rằng việc phục hồi thân vỏ xe không phải là điều đơn giản. Theo quy trình chuẩn, các vết bị bẹp móp phải được kéo ra, hiệu chỉnh cho phẳng nhất có thể, nếu đó là vết thủng cần phải hàn bằng thiết bị chuyên dụng cho từng loại vật liệu, ví dụ hàn chi tiết nhựa sẽ khác hàn chi tiết nhôm, sắt. Sau đó, các vết hàn được hiệu chỉnh để chuẩn bị cho công đoạn trét lớp bả nền, cuối cùng là sơn.
Hiện nay, hàn vá các vật liệu bằng nhôm là khó nhất, vì phải đầu tư máy hàn rất đắt đỏ và không phải garage nào cũng trang bị, do vốn cao, thời gian thu hồi vốn lâu. Nhựa là vật liệu dễ xử lý nhất. Anh Định nói cách xác định chi tiết sắt hay nhôm để hàn là dùng nam châm, còn nhựa bằng mắt thường có thể nhận biết được.
"Nếu không làm các mối hàn, vết móp kỹ, sơn dễ bị bong tróc, xảy ra tình trạng nổ sơn ở bề mặt do kết cấu lớp nền yếu. Việc sử dụng vỏ lon để vá như trường hợp trên là cẩu thả và nguy hiểm", Định nói. Theo cố vấn kỹ thuật một hãng xe Nhật, việc sử dụng những tấm mỏng như vỏ lon, tôn chỉ để dán vào trước khi bả, gần như không có tác dụng về mặt kỹ thuật.
Ngoài ra, trong những trường hợp kết cấu khung xe (chassis) bị ảnh hưởng do va chạm, việc phục hồi sẽ không an toàn như nguyên bản, vì lúc này các thông số kích thước trên xe đã thay đổi, không còn đúng chuẩn. Theo lời khuyên của anh Định, lúc này an toàn nhất là thay thế các chi tiết ở khung, thay vì hàn, vá để đảm bảo an toàn tối đa.
Do đó, khi có nhu cầu hiệu chỉnh thân, vỏ của xe, các tài xế nên tìm đến các trung tâm uy tín, chính hãng, và yêu cầu được thông báo về những lỗi và chi phí sửa chữa chi tiết. Nếu nhận thấy các vết hư hỏng ở thân vỏ có kích thước lớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu khung, việc thay thế các chi tiết này là cần thiết để đảm bảo sự an toàn, thay vì phải vá tạm thời.
Phạm Hải