Nên dùng luật hơn dùng khẩu quyết

Đối với câu hỏi "Khẩu quyết 'nhất chớm, nhì ưu' liệu có đúng luật?" Luật sư Đặng Thành Chung, Văn phòng luật An Ninh, đoàn luật sư Hà Nội cho biết về nguyên tắc: "Nhất chớm, nhì ưu, tam đường, tứ hướng" nếu theo Luật Giao thông đường bộ thì được hiểu như sau:


Nhất chớm


nguyên tắc này còn được gọi là "Quyền bình đẳng qua nơi đường giao nhau", được hiểu là xe nào vào giao lộ trước thì được đi trước. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, không có một điều khoản nào quy định về nội dung này. Do đó, "nhất chớm" chỉ nên được áp dụng khi tình huống giao thông không có sự xuất hiện và được điểu chỉnh bởi các quy định khác liên quan trong Luật.


Ví dụ, nếu "nhất chớm" được diễn giải như xe vào nút giao trước, có quyền đi trước, xe vào sau phải nhường, kể cả xe ưu tiên cũng phải nhường là không đúng quy định. Bởi lẽ, khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ quy định về quyền đi trước của xe ưu tiên, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải ưu tiên tuân thủ các quy định pháp luật.


Nhì ưu


Vấn đề này đã rất dễ hiểu, đơn giản là phải nhường đường cho xe ưu tiên. Luật Giao thông đường bộ cũng đã quy đỉnh rõ điều này. Những xe được quyền ưu tiên gồm xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.


Tuy vậy không phải cứ xe ưu tiên là phải nhường, mà phải là xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ, tức phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.


Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.


Mức phạt cho tài xế không nhường đường xe ưu tiên theo Nghị định 100/2019 là 3-5 triệu với tài xế ôtô, 600.000-1.000.000 đồng với người lái xe máy.


Tam đường


Có nghĩa là xe đi trên đường ưu tiên có quyền đi trước xe khác. Căn cứ cho nguyên tắc này được quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường bộ về Nhường đường tại nơi đường giao nhau. Cụ thể, tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.


Tứ hướng


Được dùng để chỉ thứ tự ưu tiên đi theo hướng. Căn cứ pháp lý của nguyên tắc này là khoản 1, 2 Điều 24 Luật Giao thông đường bộ như sau: "Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây: Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải; Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;"


Theo đó, nếu nút giao không có báo hiệu vòng xuyến, xe đi tới từ phía bên phải sẽ được ưu tiên đi trước. Còn nếu có báo hiệu vòng xuyến thì xe đi từ phía bên trái sẽ được ưu tiên đi trước. Tuy nhiên dù xe nào phải nhường đường, xe nào phải ưu tiên thì người điểu khiển phương tiện đều phải cho xe giảm tốc độ.


Luật sư Đặng Thành Chung

Văn phòng luật An Ninh, đoàn luật sư Hà Nội