Dán chống ồn là một trong những gói nâng cấp được nhiều chủ ô tô quan tâm sau một thời gian sử dụng. Thường thấy nhất là các dòng xe phổ thông cỡ D cho đến xe cỡ A.
Dán chống ồn, sướng chưa rõ đã thấy tốn tiền khắc phục.
Anh Cao Thanh Tính (26 tuổi), hiện đang làm dịch vụ sửa chữa ô tô lưu động tại quận Tân Phú, TPHCM, chia sẻ với VietNamNet về một trường hợp phải xử lý tháo cách âm khá tốn kém trên chiếc Mazda6 đời 2017.
Khi tiếp nhận chiếc xe này, chủ xe nói sơ qua với anh Tính về việc gần đây thường xuyên ngửi mùi khó chịu như nhựa đường cháy khiến người nôn nao. Tiến hành tháo toàn bộ nội thất gồm bộ ghế, sàn xe, anh Tính tìm thấy các chất dẻo màu đen dưới các tấm cách âm chảy loang thành dòng và có mùi hôi. Đây là hậu quả của việc dán tấm chống ồn có gốc nhựa đường, dễ bị tác động nhiệt gây bong tróc, chảy nhựa.
Theo chia sẻ của chủ xe, chiếc Mazda6 mới được dán chống ồn vào cuối năm 2020, sau 3 năm sử dụng. Mục đích là để giảm âm thanh vọng từ dưới sàn hất lên.
Tuy nhiên loại tấm dán chống ồn trên chiếc Mazda này là hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ. "Chủ xe thường xuyên để ngoài trời, chỗ nắng, nên một thời gian ngắn là lớp keo dán sẽ bị chảy như vậy. Loại keo này có gốc nhựa đường nên dễ chảy khi gặp nhiệt độ cao, đồng thời sinh mùi hôi độc hại khó chịu trong xe. Chỉ cần thời tiết nóng ở mức trung bình như ở TPHCM cũng đủ làm lớp keo này tan chảy," anh Tính nhận xét.
Hậu quả của việc dán chống ồn kém chất lượng ngoài mùi hôi và thẩm mỹ xấu lem nhem như đã thấy, nó còn khiến chủ xe tốn kém khi muốn khắc phục.
Quá trình bóc lớp keo cũ không hề đơn giản, sau đó phải xử lý bề mặt để khôi phục lại nguyên bản mất tới 12 ngày với số tiền khoảng 10 triệu đồng.
Anh Tính cho biết, để bóc toàn bộ lớp keo dán phủ ở sàn và vách thân xe, người thợ phải dùng khò nóng cho lớp keo mềm hẳn rồi mới dùng công cụ bằng sắt cạo thủ công. Khi lớp keo dán đã mỏng nhất có thể mới tiến hành ngâm dầu hỏa rồi mới xử lý tẩy tiếp bằng khăn mềm. Để tẩy sạch hoàn toàn loại keo dán này, thợ sẽ phải thêm một bước nữa tẩy bằng hóa chất mạnh.
"Xử lý xong hết tôi mới sơn lại sàn xe để chống gỉ, sau đó lại phơi tầm 3 ngày cho bay hết mùi; cuối cùng mới khử khuẩn, khử mùi khử toàn bộ xe," anh Tính kể.
Có nên dán chống ồn cho ô tô?
Đây là câu hỏi suốt nhiều năm qua của các chủ ô tô mong muốn chiếc xe mình mua dù ở phân khúc bình dân nhưng sẽ có được mức độ yên tĩnh như xe sang. Mong muốn ấy cũng chính là lý do dịch vụ dán chống ồn mọc "như nấm" ở các cửa hàng chăm sóc ô tô trên cả nước. Cùng với đó là giá dán chống ồn cũng đủ loại, từ vài triệu cho tới 15-20 triệu đồng.
Anh Nguyễn Đức Minh (Thạch Bàn, Long Biên) là một người đã làm cải thiện chống ồn cho ô tô ở mức độ đơn giản như thay lốp, dán gioăng cao su cửa, cốp và nắp ca-pô nhưng chỉ được phần nào. Anh Minh cho biết: "Tôi đang đi xe Kia K3 đời 2015 bản 2.0 nhập Hàn và chưa hài lòng lắm với độ cách âm nguyên bản. Tôi muốn xe có thể cải thiện từ 80-90% độ ồn hiện tại với kinh phí chuẩn bị khoảng 15 triệu đồng. Tôi đã tham khảo một gara có quảng cáo áp dụng công nghệ Nhật, sử dụng vật liệu Damping ASV của Hàn Quốc, cam kết giảm độ ồn được thêm 10 dB, kết hợp với gói tiêu âm. Nhưng họ báo giá gấp đôi mức chuẩn bị tiền ban đầu của tôi".
Anh Minh khá băn khoăn bởi tham khảo thêm một số nơi khác có giá khoảng chục triệu đồng, song không rõ chất lượng.
Những băn khoăn như Minh là có cơ sở, vì hiện tại trên thị trường, làm chống ồn đa số được thực hiện bởi bên thứ 3, do hãng xe và đại lý chính hãng không có mục thi công này.
Trao đổi với VietNamNet, anh Huỳnh Trọng Nhân, chủ gara ô tô Trọng Nhân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết hiện nay việc làm chống ồn ô tô chủ yếu là dán thêm các tấm cách âm, cách nhiệt. Các thương hiệu tấm dán phổ biến hiện nay gồm có 3M Acoustic, Gribz, STP (Standartplast), Forch, SuperCar, Wurth, Vaber, Dynamat...
"Các tấm cách âm đều có đặc điểm cần keo dán bề mặt. Thị trường hiện có 3 loại vật liệu keo dán thi công chính để làm chống ồn, gồm cao su non, cao su gốc nhựa đường, và cao su butyl. Trong 3 loại này, rẻ tiền nhất là dòng cao su gốc nhựa đường nhưng kém bền, độc hại. Loại cao su non dễ bong. Còn loại cao su butyl có độ bám dính và chịu nhiệt tốt ở 130 độ C, nhưng giá đắt nhất."
Để làm cách âm đầy đủ (4 cửa, 4 hốc lốp, sàn và cốp), dùng tấm dán cao su butyl với dòng sedan cỡ D như Mazda6 sẽ tốn từ 13 đến 15 triệu đồng. Nhưng thường chưa đủ, các gara sẽ tư vấn gắn thêm các vật liệu tiêu âm lót thêm có giá từ 4 đến 6 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo kỹ sư ô tô Nguyễn Thanh Lý, từng công tác Nhà máy Z151 (Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng), việc làm cách âm chống ồn không phải cứ dán hết sàn, cửa, hốc bánh, mọi ngóc ngách là xe sẽ yên tĩnh hơn. "Các mẫu xe khi ra mắt đã được nhà sản xuất tính toán kỹ về hiệu quả cách âm dựa trên thiết kế, phân khúc, giá tiền. Để làm thêm chống ồn cho xe ô tô, tức là làm thêm cái mà hãng xe họ đã không làm, thì người thực hiện phải nắm rõ các nguyên lý về âm thanh. Trên xe sẽ có những nơi tiêu âm, những nơi phản âm, không thể tùy tiện dán cách âm. Nếu dán không đúng vị trí, loại vật liệu, xe không chỉ không giảm ồn mà ngược lại còn ồn hơn, vọng tiếng gây ù tai hơn," kỹ sư Lý cảnh báo.
Âm thanh trên xe hình thành từ nhiều yếu tố, đôi khi tiếng động khó chịu xuất phát từ việc bọc thêm đồ da, hay xe dán thêm vè chắn mưa, trang trí, hoặc bộ phận truyền động lâu ngày hư hỏng. Nếu đưa xe đi dán cách âm chỉ vì nghe nói hay tự suy đoán, dễ gặp cảnh "lợn lành thành lợn què" như trường hợp của chủ xe Mazda6 trong bài. Do đó, nếu không nắm rõ các kiến thức về cách âm ô tô, tốt nhất chủ xe nên mang xe đến những cơ sở, trung tâm làm cách âm xe hơi chuyên nghiệp và có bảo hành.