Kẹt chân ga có phải lỗi 'phổ biến' với ô tô

Gần đây, sự việc chiếc Kia Forte 2009-2010 mất kiểm soát đâm hàng loạt phương tiện trên đường Võ Chí Công khiến nhiều tài xế đặt ra câu hỏi. Tình huống nào dẫn tới việc nhầm chân ga và phanh... Ngoài ra, cần làm gì để đối phó với những tình huống như vậy:

Trên thực tế, trong quá trình vận hành xe người dùng có thể gặp phải khá nhiều tình huống kẹt chân ga khác nhau. Các tình huống này có thể đến từ hai yếu tố chính, một là đến từ con người (người điều khiển phương tiện) như nhầm chân ga, phanh, sử dụng giày, dép không phù hợp, yếu tố còn lại có thể do xe có sự cố hoặc thảm sản...

Theo anh Đào Huân, nhân viên kỹ thuật cho biết, ở một số dòng xe cũ việc xe bị kẹt dây ga, hụt ga hay òa ga hoàn toàn có thể xảy ra nhất là với xe không bảo dưỡng kỹ. Khi xe bị kẹt ga, hãy đạp phanh mạnh và giữ đều, chuyển về số mo (N), kéo phanh tay... Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố không ít tài xế dù chạy lâu năm vẫn có thể bị mất bình tĩnh và không thể xử lý tình huống một cách an toàn nhất.

Kẹt chân ga.


Các dấu hiệu cho thấy xe của bạn đang kẹt chân ga, đồng hồ tua máy đột ngột dâng cao trên 3000 rpm (vòng/phút), xe đột ngột tăng tốc, xe không tự giảm tốc khi nhả ga hay đạp phanh. Trường hợp xe bị kẹt chân ga, có mấy nguyên tắc sau, không được mất bình tĩnh, không được tắt máy ngay bởi khi tắt máy sức ỳ động cơ có thể làm các bánh dừng đột ngột gây hiện tượng bánh mất độ bám đường khiến xe trượt không kiểm soát đồng thời khi tắt máy một số xe sẽ xảy ra hiện tượng khóa vô lăng, lúc này chúng ta không khác gì đang ngồi trong cỗ quan tài di động không thể điều khiển.

Hạn chế phanh liên tục trong khi xe chưa giảm ga sẽ gây hiện tượng cháy phanh, bạn sẽ mất đi công cụ cực kỳ quan trọng để giảm tốc, không chuyển làn liên tục hay cố đi gần sát lề đường vì những phương tiện gần lề đường có xu hướng di chuyển tốc độ chậm hoặc chuẩn bị dừng đỗ trong khi xe chúng ta đang khóa cứng ở tốc độ cao rất dễ gây va chạm. Các bước xử lý được nhiều chuyên gia khuyến cáo bao gồm: - Bật đèn tín hiệu khẩn cấp, còi liên tục báo hiệu cho các phương tiện xung quoanh - Đối với xe số sàn: cắt cồn, chuyển dần về các số thấp hơn kết hợp với phanh để giảm tốc. Kỹ thuật này còn gọi là phanh bằng số. - Đối với xe số tự động: chuyển số về N để xe chạy không tải, kết hợp phanh để giảm tốc. - Khi xe đã giảm tốc đến tốc độ an toàn, từ từ di chuyển về sát lề đường hoặc khu đất trống (nếu có), tiếp tục giảm tốc đến khi xe dừng lại hẳn - Về số N (đối với cả 2 loại xe), kéo phanh tay để chống trôi xe, vẫn giữ đèn báo hiệu nguy hiểm, tắt máy, gọi cứu hộ

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng xe các vật dụng lắp thêm như thảm sàn da cũng khiến chân ga bị đè dẫn đến mất kiểm soát... Anh Đoàn Dũng, Hà Nội cho biết, trong một lần đi rửa xe, nhân viên rửa xe đặt nhầm thảm lót sàn từ vị trí ghế phụ sang lái dẫn đến phần đệm thừa của tấm lót đè vào chân ga khiến xe bị vọt đi ngay sau khi anh nổ máy vào số. Rất may, anh bình tĩnh và xử lý được vụ việc.

Đây cũng là bài học cho nhiều chủ xe về việc lắp thêm phụ kiện và nên kiểm tra khoang lái đặc biệt vị trí chân ga, phanh trước khi di chuyển hoặc sau khi rửa hoặc cho người khác mượn xe. Chủ xe cũng cần kiểm tra, bảo dưỡng xe định kỳ để hạn chế tối đa những tình huống liên quan đến ga, phanh có thể xảy ra.