Bụi phanh được tạo ra trong quá trình ma sát má phanh và đĩa, các hạt nhỏ li ti bị tróc và thải ra ngoài môi trường. Tùy vào loại vật liệu của má/đĩa phanh, bụi phanh có thể chứa các hạt sắt, thép, đồng, carbon, than chì, thủy tinh và các hợp chất khác.
Có thể nhận biết bụi phanh bằng mắt thường qua màng bụi màu xám đen hoặc hơi đỏ trên vành của bánh xe, hoặc trên các bộ phận của cụm phanh. Bụi phanh có màu tối thường đến từ các loại má phanh hiệu suất cao, chứa các hợp chất hữu cơ (phi kim loại), trong khi đó các cụm phanh phổ thông, thường sản sinh ra bụi màu đỏ đến từ má phanh kim loại hoặc bán kim loại.
Bụi phanh có độ mịn như bột. Khi bám trên những vành xe có lớp phủ, độ bóng cao, quét tay lên lớp bụi phanh sẽ có cảm giác như lớp màng bẩn vì bùn đất. Tuy nhiên tài xế cần hạn chế dùng tay lau lớp bụi này vì có thể làm xước vành.
Bụi phanh có hại cho cả xe lẫn con người. Các hợp chất kim loại trong bụi phanh có thể ăn mòn, hoen ố vành xe nếu để lâu mà không xử lý. Các hạt kim loại li ti khi tiếp xúc với tác nhân môi trường như không khí, độ ẩm, nước mưa và các hợp chất kim loại khác có thể đẩy nhanh quá trình ôxy hóa, khiến hạt kim loại bị gỉ sét, gây hư hại các lớp bảo vệ trên vành. Nếu để lâu, vành có thể bị ăn mòn sâu hơn và để lại vết vĩnh viễn.
Mặt khác, bụi phanh gây ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng nếu vô tình hít phải trong thời gian dài. Các hạt kim loại nhỏ đi vào phổi gây ra nhiều bệnh, ví dụ viêm phổi hoặc viêm phế quản.
Để hạn chế tác hại của bụi phanh lên xe, tài xế nên xịt rửa phần bánh xe thường xuyên, khoảng một tuần một lần nếu đi thường xuyên, hai tuần một lần nếu ít đi hơn. Có thể vệ sinh bánh bằng dung dịch xà phòng và bàn chải lông mềm, sạch, sau đó xịt nước xả sạch, không để xà phòng đọng trên bánh. Ngoài ra, trên thị trường có bán nhiều loại dung dịch chuyên dụng vệ sinh phanh và bánh với giá 100.000-200.000 đồng. Khi vệ sinh hệ thống phanh nên đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi phanh.
Tân Phan (theo Familyhandyman)