Ngày nay, hầu hết các dòng xe hiện đại đều đã chuyển sử dụng hệ thống trợ lực lái điện, chỉ còn một số ít loại xe chủ yếu là dòng SUV, bán tải và xe tải còn dùng tay lái trợ lực thủy lực. Hệ thống trợ lực lái điện có nhiệm vụ tạo ra lực bổ trợ tác dụng lên cơ cấu dẫn động, nhằm duy trì hoặc thay đổi hướng chuyển động của xe.
Cấu tạo của hệ thống trợ lực lái điện ô tô.
Ưu điểm của loại trợ lực này là cảm giác an toàn, thoải mái cho người lái mà còn giúp xe còn giảm thiểu lượng nhiên liệu tiêu hao. Đặc biệt, chúng còn giúp xe dễ dàng sửa chữa hơn nếu bị hư hỏng. Tuy nhiên, nếu trong quá trình sử dụng, tài xế có một số thói quen lái xe xấu thì rất dễ ảnh hưởng đến hệ thống trợ lực lái điện.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, dưới đây là 4 thói quen cần bỏ ngay để không làm hỏng hệ thống lái trợ lực điện ô tô mà các tài xế cần biết:
Đánh lái chết hay đánh lái nguội là kiểu xoay vô lăng hết sang trái hoặc sang phải khi dừng. Lỗi này hay gặp phải ở các bác tài mới biết lái xe, việc lặp lại thao tác này liên tục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống lái điện.
Thực hiện hành động này trong một thời gian nhất định sẽ làm mô-tơ của hệ thống lái điện hoạt động quá tải, sinh nhiệt cao, hộp điều khiển hệ thống sẽ giảm lực hỗ trợ. Người lái sẽ cảm thấy vô lăng nặng hơn, trong trường hợp sinh nhiệt cao, vô lăng có thể bị khóa cứng.
Thói quen đánh lái chết sẽ có nguy cơ làm hỏng mô-tơ của hệ thống lái điện.
Thêm vào đó, hành động đánh lái chết sẽ khiến cho lốp trước nhanh mòn hơn lốp sau. Người lái cũng khó cảm nhận được hướng của xe bởi xe đang đứng yên. Để tránh việc này, các tài mới nên hạn chế đánh lái chết khi mới học lái xe, thay vào đó nên chọn mô hình học đánh lái được thiết lập sẵn tại các trung tâm dạy nghề.
Hành động phi xe qua ổ gà, ổ voi với tốc độ cao không chỉ gây ảnh hưởng đến hệ thống lái, hệ thống treo mà còn nhiều bộ phận khác trên ô tô. Thường xuyên di chuyển sẽ làm rơ lỏng thước lái, hỏng thước lái.
Kết quả là xe sẽ gặp một số vấn đề như: lốp mòn không đều, rung vô lăng khi chạy tốc độ cao, chệch hướng lái… gây ra các cảm giác khó chịu và dẫn tới chi phí sửa chữa, khắc phục đáng kể.
Các bác tài nên hạn chế đánh lái hay vào cua gắt ở tốc độ cao.
Khi thực hiện các thao tác như drift, quay vô-lăng ở tốc độ cao và gắt sẽ mang đến cảm giác thể thao và hưng phấn. Tuy nhiên, tài xế không nên thực hiện thao tác này thường xuyên vì sẽ làm hỏng hệ thống trợ lực lái điện. Về lâu dài, người dùng sẽ phải trả một số tiền lớn cho việc chăm sóc bảo dưỡng xe, tu bổ lại hệ thống lái.
Cân chỉnh thước lái hay cân chỉnh hệ thống về bản chất là việc điều chỉnh góc đặt của bánh xe sao cho chúng giống với thông số được chỉ định bởi nhà sản xuất. Việc làm này sẽ đảm bảo cho chiếc xe có được khả năng kiểm soát chính xác, giảm thiểu các vấn đề phát sinh liên quan đến độ ổn định và khả năng đánh lái của xe.
Ngoài ra, cân chỉnh thước lái còn giúp giảm thiểu hiện tượng mòn không đều và rách lốp, đảm bảo tuổi thọ lốp và độ an toàn chung khi vận hành xe. Thông thường, các bác tài nên đi cân chỉnh lại hệ thống thước lái sau từ 15.000-20.000 km, cân chỉnh thêm góc đặt bánh để hạn chế các hiện tượng lốp mòn không đều, tiếng ồn từ lốp, rung vô lăng…
(Nguồn ảnh: Internet)