Trong tháng 5, toàn thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục xu thế sụt giảm, chỉ vài sản phẩm giữ được "phong độ", trong đó có Toyota Hilux, nhưng với doanh số chỉ đạt 23 chiếc, mẫu xe này vẫn không thoát khỏi danh sách 10 mẫu ô tô bán chậm nhất toàn thị trường.
Thậm chí, Toyota Hilux còn nằm ở vị trí cuối cùng của phân khúc xe bán tải trong tháng 5, do sức bán của Isuzu D-Max tăng lên 25 chiếc.
Ngoài Isuzu D-Max, mẫu Mitsubishi Triton cũng ghi nhận sức tiêu thụ tăng trưởng gần 45% ở tháng 5 với doanh số đạt 142 xe và tiếp tục nằm ở vị trí thứ 2 trong phân khúc. Kết quả này có được chủ yếu là nhờ chương trình ưu đãi tặng 50% lệ phí trước bạ từ nhà sản xuất.
Hai sản phẩm ghi nhận sức tiêu thụ sụt giảm gồm: Ford Ranger và Mazda BT-50. Trong đó, BT-50 vẫn nằm ở vị trí thứ 3 trong phân khúc, còn Ranger dù có doanh số giảm tới gần 35% nhưng vẫn thừa sức áp đảo các đối thủ, giữ vững vị thế dẫn đầu.
Ngoài yếu tố sụt giảm chung của toàn thị trường, giới chuyên gia nhận định nguyên nhân chính khiến doanh số của Ford Ranger giảm nhiều tới vậy là do mẫu xe này được điều chỉnh giá bán lẻ đề xuất tăng 10-20 triệu đồng từ đầu tháng 5.
Cụ thể, bản XLS MT hút khách bị cắt bỏ, bản XL MT tiêu chuẩn tăng giá ít nhất (10 triệu đồng) lên mức 669 triệu đồng. Trong khi đó, hai phiên bản XLS AT tăng giá 19-20 triệu đồng lên mức 707 triệu đồng và 776 triệu đồng, còn bản Wildtrak cao cấp nhất tăng 14 triệu đồng lên mức 979 triệu đồng, đồng nghĩa với giá lăn bánh lên tới cả tỷ đồng.
Ngoài ra, bản XLT có giá 830 triệu đồng bị thay thế bằng bản Sport giá 864 triệu đồng. Phiên bản này tuy không có nhiều trang bị ấn tượng như Wildtrak nhưng đủ dùng và phù hợp với nhu cầu của số đông, dễ được người dùng săn đón. Tuy vậy, lượng xe nhập về các đại lý lại không nhiều.
Những tưởng với sự trở lại của Toyota Hilux, phân khúc xe bán tải tại Việt Nam sẽ bớt nhàm chán nhưng thực tế vẫn vậy. Ford Ranger tiếp tục thể hiện sức thống trị tuyệt đối, Isuzu D-Max vẫn "kén khách" nhưng nhờ sự xuất hiện của Hilux đã thoát khỏi xếp hạng cuối bảng.