Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Dự án xây dựng tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư phường Ngọc Thụy, quận Long Biên được khởi công từ tháng 11/2018.
Đây là đoạn cuối cùng thuộc tuyến đường nối từ nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương đến cầu Đông Trù.
Công trình sau khi hoàn thành sẽ tạo ra tuyến đường thông suốt từ cầu Đông Trù đi qua các phường Thượng Thanh, Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn và nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Toàn tuyến dài 1,5km, rộng 40m với 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án là 1.200 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa dành cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư.
Tuyến đường dự kiến hoàn thành năm 2020, song đến nay vẫn còn dang dở. Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là khâu giải phóng mặt bằng.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận Long Biên (đại diện chủ đầu tư), để thi công dự án phải giải phóng mặt bằng với khoảng 485 hộ, chủ yếu là đất ở (khoảng 446 hộ).
Công tác giải phóng mặt bằng lâu hơn so với dự kiến ban đầu do việc xác định nguồn gốc đất và đơn giá đền bù, bố trí tái định cư cho các hộ dân trong diện giải tỏa khá phức tạp.
Hiện nay, mặt bằng thi công dự án đã thu hồi được khoảng 98%, còn 6 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó 2 hộ trên địa bàn phường Ngọc Lâm và 4 hộ thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy.
UBND quận Long Biên, chính quyền các phường và đơn vị liên quan đang nỗ lực tuyên truyền vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước, bàn giao mặt bằng sớm để thi công đồng bộ trên toàn dự án.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, hai gói thầu chính còn lại đã thi công được khoảng 85% khối lượng và giá trị của gói thầu.
Về tiến độ, quận đang quyết tâm hoàn thành dự án này trước dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Ông Nguyễn Văn Anh, Chỉ huy trưởng công trường (Công ty Cổ phần Xây dựng Thăng Long) cho biết, mặt bằng bàn giao theo kiểu "xôi đỗ" nên đang thi công vị trí này lại phải chuyển sang khu vực khác.
Đặc biệt, tại các khu vực chưa có mặt bằng thi công công trình ngầm, ảnh hưởng đến cả phần nổi như hệ thống thoát nước, hào kỹ thuật...
Theo ông Văn Anh, từ giữa năm 2023, khi có mặt bằng từng đoạn, đơn vị thi công đã tập trung huy động tối đa về nhân lực và máy móc, thiết bị đảm bảo phục vụ được khối lượng công việc yêu cầu.
Hiện nay công trường đang triển khai áo đường, đồng thời cấp phối đá dăm loại 1 để chuẩn bị cho công tác thảm theo thiết kế (thảm thô và thảm mịn) và lát gạch hè. Nếu tháng 6 được bàn giao mặt bằng thì trong tháng 9, chúng tôi sẽ hoàn thành công trình.
Ghi nhận của PV, trên công trường dự án, cầu vượt qua đường Nguyễn Văn Cừ dài 400m, với 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, hiện đã hoàn thành.
Một số đoạn tuyến đã triển khai cấp phối đá dăm loại 1, hệ thống chiếu sáng, cây xanh... Khu vực đường đi qua đoạn hồ Tai Trâu, cầu vượt đường sắt vẫn đang ngổn ngang, dang dở.