Những ngày đầu tháng 8, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại dự án đầu tư xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long, sau khi nhà thầu thi công hạng mục đào đường, di chuyển đường ống cấp nước, còn lại là mặt đường ngổn ngang, lồi lõm.
Các phương tiện di chuyển khó khăn qua đường gom đại lộ Thăng Long do nhà thầu thi công ẩu.
Khu vực đối diện với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam xuất hiện một vệt đào giữa lòng đường rộng khoảng hơn 20cm nhưng nhà thầu chỉ khắc phục bằng đá dăm khiến phương tiện gặp khó khi đi qua. Ô tô, xe máy qua đây đều phải xếp hàng, di chuyển chậm chạp do vệt đào bị hở rộng, có độ vênh so với mặt đường.
Hà Nội cần đặc biệt quan tâm tới các dự án nêu trên vì việc thi công ẩu, mất ATGT gây ảnh hưởng tới hàng nghìn người tham gia giao thông. Từ trước tới nay, đã có rất nhiều dự án thi công ẩu, ngó lơ đến an toàn của người dân nhưng vẫn tồn tại khiến họ "quên" việc đảm bảo ATGT.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy, chuyên gia giao thông
Vừa thoát khỏi đây, người dân tiếp tục phải di chuyển qua 200m đường xuống cấp, lồi lõm do nhà thầu khi tháo rào chắn chưa khắc phục hoàn trả theo quy định.
Trong khi đó, trên vỉa hè đoạn Km6 đường gom đại lộ Thăng Long, nhà thầu đưa máy móc lên thi công, bùn đất ngổn ngang nhưng không có thiết bị cảnh báo, bố trí người phân luồng.
"Tôi thấy họ đào đường thi công ẩu quá, để đá dăm vương vãi cả tháng nay không khắc phục. Họ không tưới nước khiến nắng thì bụi mù mịt, mưa thì bùn đất trơn trượt", anh Nguyễn Xuân Thanh (Khu đô thị Nam An Khánh) cho hay.
Tương tự, trên đường Ngô Quyền (Hà Đông, Hà Nội), nhà thầu thi công dự án Kênh La Khê đã làm biến dạng, lồi lõm gần 200m mặt đường, đặc biệt là đoạn từ cầu Tố Hữu đến cầu T43. Đó là chưa kể những hộp cống, đường ống nằm ngổn ngang bên đường không có rào chắn, biển cảnh báo.
Tình trạng mất ATGT do thi công cũng xảy ra tại dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 414C trên địa bàn 2 xã Thuần Mỹ và Ba Trại của huyện Ba Vì. Nhiều vị trí cống thi công nhưng không có nắp đậy. Máy móc, vật liệu, phế liệu xây dựng được tập kết ngổn ngang dưới lòng đường.
Dù là tuyến đường vừa thi công vừa khai thác nhưng nhiều vị trí không có rào chắn, dây phản quang, cọc tiêu tại vị trí thi công dang dở.
Ông Nguyễn Ngọc Mạnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Ba Vì (đơn vị chủ đầu tư) thừa nhận những bất cập khi thi công dự án trên tuyến đường 414C. "Chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu khẩn trương khắc phục. Nếu tiếp tục vi phạm, nhà thầu sẽ bị xử lý theo các điều khoản cam kết trong hợp đồng thầu", ông Mạnh cho hay.
Trên vỉa hè nhà thầu thi công ngổn ngang nhưng không hề đảm bảo ATGT (chụp tại đường gom đại lộ Thăng Long).
Tại đường gom đại lộ Thăng Long, đại diện Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội (đơn vị phụ trách tuyến đường) cho biết, sau khi có phản ánh về chất lượng, mất ATGT thi công, đơn vị đã yêu cầu tuần đường kiểm tra kỹ lưỡng; đồng thời cử tư vấn giám sát kiểm tra ngay. Những vị trí không đảm bảo an toàn, nhà thầu buộc phải xử lý nếu muốn tiến hành giai đoạn tiếp theo.
Trong khi đó, với dự án Kênh La Khê, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết, đường Ngô Quyền đoạn từ cầu Tố Hữu đến cầu T43 đã hết hạn giấy phép thi công từ ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện thủ tục gia hạn, chưa bàn giao lại mặt bằng. Ban Duy tu đã yêu cầu các đơn vị thi công tổ chức khắc phục ngay các hư hỏng.
Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay: "Sở đã tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng tôi chấp nhận việc thi công ẩu, không quan tâm đảm bảo an toàn.
Các nhà thầu không làm theo giấy phép, chúng tôi sẽ xem xét xử lý nghiêm. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ thu hồi giấy phép, báo cáo UBND TP điều động nhà thầu khác vào thi công", ông Bảo nói và khẳng định sẽ yêu cầu lực lượng Thanh tra GTVT phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm vi phạm.