Đánh giá về tình hình giao thông trên địa bàn, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Dù có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2024 nhưng tình hình ùn tắc tại Thủ đô vẫn còn những diễn biến phức tạp, xuất hiện các điểm ùn tắc mới.
Nguyên nhân là do lượng xe cá nhân tăng cao, hạ tầng chưa theo kịp với sự phát triển của đô thị, sự hạn chế khả năng đáp ứng của vận tải công cộng...
Năm 2024, Sở GTVT phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý được 13/33 điểm ùn tắc nhưng lại phát sinh thêm 16 điểm ùn tắc, đưa số điểm ùn tắc hiện nay tại Hà Nội lên 36 điểm.
Đáng chú ý, qua rà soát trên địa bàn thành phố còn trên 230 điểm có nguy cơ ùn tắc, cần phải có phương án xử lý, tránh để thành những điểm ùn tắc thường xuyên.
Dẫn chứng tình trạng ùn tắc trên Vành đai 3, ông Thường cho biết tuyến đường này đang có lưu lượng vượt quá năng lực thiết kế của mặt đường đến 6 lần. Đây là nguyên nhân khiến tuyến đường thường xuyên ùn tắc, ngay cả các khung giờ thấp điểm.
"Trong tương lại khi hoàn thành đường Vành đai 4, có thể tính toán phương án xem đường Vành đai 3 là đường giao thông nội đô bình thường.
Trước mắt, biện pháp hiệu quả nhất lúc này là phải giảm bớt lượng xe tải, xe kinh doanh hoạt động. Phương án giảm hay cấm, thực hiện vào thời gian nào, như thế nào sẽ được nghiên cứu, khảo sát và lập phương án cụ thể", ông Thường nói.
Trước mắt, ông Thường cho hay sẽ điều chỉnh, tổ chức lại nút giao Thanh Xuân (Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển) để giảm tình trạng ùn tắc kéo dài, tương tự như đã thực hiện với nút giao Ngã Tư Sở.
"Thời gian qua Sở GTVT đã khảo sát, đưa ra nhiều phương án để có hướng xử lý nhưng chưa thành công. Tuy nhiên với những phương án mới được đưa ra, chúng tôi kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông nhiều năm qua tại khu vực này", ông Thường chia sẻ.
Liên quan đến dư luận cho rằng tình trạng một số nút giao đèn đỏ dài tới 120 giây nhưng đèn xanh chỉ 20 giây, ông Trần Hữu Bảo - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Việc pha đèn dài hay ngắn được tính toán dựa trên cơ sở cân đối lưu lượng phương tiện theo các hướng.
Cũng theo ông Bảo, bất kỳ nút đèn nào cũng chỉ đáp ứng được trong một lưu lượng nhất định, nếu quá tải phương tiện thì nút đèn cũng mất tác dụng.
Trong khi đó, thực tế hiện nay nhiều nút giao thông tại Hà Nội có lưu lượng xe vượt rất nhiều so với khả năng đáp ứng, đặc biệt trong khung giờ cao điểm. Phương án tại các nút đèn là phải ưu tiên tuyến chính, tuyến có lưu lượng lớn hơn, giải phóng lưu lượng nhanh nhất.
Đối với các phản ánh của người dân về một số đèn tín hiệu "đang đỏ bất ngờ chuyển sang xanh", ông Bảo cho biết, Sở GTVT Hà Nội đang quản lý hơn 800 đèn tín hiệu giao thông. Ngay khi nhận có thông tin về các nút đèn tín hiệu gặp vấn đề, Sở GTVT sẽ lập tức cho sửa chữa, điều chỉnh với sự tham gia của đội phản ứng nhanh.
Về việc lắp đặt mũi tên cho phép phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, Hà Nội đã triển khai từ trước đến nay tại những vị trí đủ điều kiện đều cho rẽ phải. TP.HCM đã tham khảo cách thức triển khai từ Hà Nội.
Hiện tại, Sở GTVT đang giao Ban duy tu, các đội đèn rà soát lại các nút đủ điều kiện, tiếp tục bố trí thêm các nút rẽ phải.
Với phản ánh nhiều khu vực vạch kẻ đường bị mờ, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng có nhiều nguyên nhân như ô nhiễm môi trường, lưu lượng phương tiện quá lớn, vệt bánh xe, khói bụi... Sở GTVT đã đề nghị bên môi trường đô thị tăng cường rửa đường song song với việc yêu cầu cán bộ duy tu nắm bắt và tu sửa các vạch kẻ đường bị mờ, nhất là từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực.