Hà Nội: Bãi xe ngầm “đắp chiếu” nhiều năm, gỡ cách nào?

Nhiều năm vẫn nằm trên giấy

Theo quy hoạch, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ xây dựng 75 dự án bãi đỗ xe mới, với tổng kinh phí đầu tư trên 14.200 tỷ đồng. 

Với bãi xe ngầm, ngoài 7 dự án đã được phê duyệt, chấp thuận đầu tư, thành phố sẽ xây dựng thêm 4 dự án mới, nâng tổng số bãi xe ngầm giai đoạn này lên 11.

Hà Nội: Bãi xe ngầm “đắp chiếu” nhiều năm, gỡ cách nào?- Ảnh 1.


Dự án bãi đỗ xe ngầm trên đường Nguyên Hồng được chủ đầu tư quây tôn từ năm 2017 nhưng đến nay chưa triển khai biến nơi đây thành bãi xe tạm.

Tuy nhiên, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đến nay vẫn chưa có bãi xe ngầm nào được xây dựng. Nguyên nhân do vướng mắc thủ tục và cơ chế đầu tư, thu hồi vốn.

Sáng 19/7, có mặt ở dự án bãi đỗ xe tự động (H1-3) tại khu vực cống hóa mương Nguyên Hồng (địa bàn hai phường Láng Hạ, quận Đống Đa và Thành Công, quận Ba Đình), PV chứng kiến khu đất vẫn im lìm. Thay vào đó là một bãi xe tự phát mọc lên.

Bãi đỗ xe này được cấp phép quy hoạch từ năm 2017, theo thiết kế có sức chứa khoảng 200 xe ô tô. Ngoài ra, còn có bãi gửi xe máy, khu bảo dưỡng, vườn hoa tạo cảnh quan.

Cách đó không xa, dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại trong Công viên Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) vẫn chưa khởi công. 

Dự án được TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 5/2019, với tổng kinh phí lên tới trên 1.700 tỷ đồng. Thời gian hoạt động 50 năm, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2020.

Trong khi đó, được giao lại từ dự án xây dựng khách sạn trước đây để làm bãi xe ngầm, nhưng hiện nay sau gần 20 năm thực hiện, bãi xe ngầm trong công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) vẫn là bãi đất bỏ hoang được quây kín bằng tôn.

Theo thiết kế, dự án bãi đỗ xe dự kiến có 3 tầng đỗ xe ngầm, mỗi tầng hơn 5.600m2, đủ sức chứa 390 chỗ cho ô tô.

Cần cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư

TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: "Nếu nói vướng thủ tục dẫn tới kéo dài thời gian triển khai là chưa thỏa đáng. Điều cốt lõi là do thành phố chưa có chỉ đạo rõ ràng trong việc thực hiện, dẫn tới cấp dưới né tránh. 

Với tốc độ phát triển như hiện nay, chỉ cần sau 2-3 năm, điều kiện ban đầu đã thay đổi, phải điều chỉnh, lại phải xin phép, sẽ thành vòng luẩn quẩn và có thể kéo dài đến 5-7 năm".

Hà Nội: Bãi xe ngầm “đắp chiếu” nhiều năm, gỡ cách nào?- Ảnh 2.


Chủ đầu tư quây tôn, gắn biển thông báo nhưng chưa tiến hành xây dựng.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội, do thiếu tính khả thi và hấp dẫn về cơ chế, về mục tiêu tài chính, hàng loạt các vị trí quy hoạch bãi xe đã bị "treo" vô thời hạn. Vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn mất tới 30-40 năm nên các dự án đã bị nhà đầu tư quay lưng ngay từ đầu.

Khó khăn chủ yếu liên quan đến giá trị đầu tư cho các bãi xe đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, các doanh nghiệp phải có nguồn lực tài chính, có tầm nhìn và khả năng tích lũy vốn. Để đầu tư điểm đỗ xe thông minh cũng cần có chính sách ưu đãi với doanh nghiệp.

"Một số doanh nghiệp nhận chuyển nhượng lại, nhưng thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện dẫn đến việc đầu tư bãi đỗ xe sẽ khó khăn. 

Một số điểm quy hoạch nằm cách xa khu dân cư dẫn đến việc các nhà đầu tư không nhìn thấy lợi nhuận hoặc lợi nhuận kém nên không thiết tha", KTS Ánh bày tỏ.

Một doanh nghiệp lớn về hoạt động trông giữ xe trên địa bàn bày tỏ: "Đầu tư bãi xe ngầm chi phí lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng phải thu tới 50 năm mới có thể hoàn vốn. 

Trong khi đó, không có thêm hoạt động kinh doanh thương mại, các cơ chế ưu tiên, khuyến khích vốn vay… thì sao chúng tôi dám làm?".

Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, UBND TP Hà Nội đang yêu cầu các sở, ngành rà soát lại toàn bộ các bãi xe ngầm có trong quy hoạch để đưa ra các giải pháp thu hút tư nhân đầu tư. 

"Trong quý IV/2024 Hà Nội sẽ có cuộc họp quy mô để tháo gỡ việc đầu tư bãi xe ngầm", ông Bảo nói.

UBND TP Hà Nội hiện đang có chính sách ưu đãi hỗ trợ tư nhân đầu tư bãi xe ngầm như: Hỗ trợ 100% thuế đất trong 10 năm, hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu với thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu.

Được vay vốn từ quỹ phát triển thành phố với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi vay tối đa 50% với dự án vay từ tổ chức tín dụng. Các dự án bãi đỗ xe nổi và ngầm xã hội hóa có thể sử dụng 20-30% diện tích sàn xây dựng các dịch vụ khác.