Tranh cãi về việc có nên dán chống ồn cho xe hơi

Tiếng ồn ù tai, khó chịu, căng thẳng, mệt mỏi, mất tập trung… là tình trạng chung mà đa phần người đi xe ô tô phổ thông đều gặp phải. Vậy có nên làm chống ồn cho xe ô tô không?


Thi công chống ồn


Nguyên nhân xe bị ồn


Có rất nhiều nguyên nhân xe bị ồn. Các nguyên nhân gây tiếng ồn trong xe ô tô chủ yếu chia thành những nhóm sau:


  • Tiếng ồn từ xe: tiếng động cơ, tiếng ống xả, tiếng kêu các chi tiết khớp nối lắp ráp thân xe, tiếng vọng trong cabin xe (thường gặp nếu bọc trần nilon), tiếng kêu từ các bộ phận khác đang gặp vấn đề (nếu có),…
  • Tiếng ồn từ môi trường: âm thanh đường phố (hay tạp âm), tiếng gió, tiếng mưa…
  • Tiếng ồn từ vấn đề đường sá: tiếng sỏi đá văng vào hốc bánh xe – gầm xe, tiếng lốp xe, mặt đường xấu...


Để khắc phục tình trạng này trên thị trường xuất hiện khá nhiều dịch vụ được quảng cáo là cách âm chống ồn cho xe ô tô. Bạn sẽ có thể nghe được rất nhiều lời quảng cáo mỹ miều và hấp dẫn như: Xe sẽ chạy êm ru, không còn tiếng ồn, hay xử lý tiếng ồn triệt để. 


Hiện nay có ba phương pháp phổ biến nhất mà các trung tâm bảo dưỡng quảng cáo gồm có:


Sử dụng miếng dán cách âm:


Tức là sử dụng miếng dán cách âm dán vào một số vị trí trên trên xe ô tô nhằm để ngăn chặn hay hạn chế các âm thanh lọt từ bên ngoài vào trong ca bin.


Phủ gầm xe hơi:


Ngoài ra khi bạn di chuyển xe ở một địa hình không thuận lợi, đường xấu có nhiều đất đá sỏi, chúng sẽ va đập vào gầm xe sẽ gây ra tiếng ồn. Vì vậy cách hiệu quả nhất để triệt tiêu những âm thanh từ bên dưới cabin chính là phủ gầm cho xe ô tô bằng những loại dung dịch cách âm.

Phương pháp phủ gầm bằng những loại dung dịch này còn có tác dụng chống gỉ sét, và làm tăng độ bền cho chiếc xe ô tô của bạn.


Sử dụng gioăng cao su:


Giải pháp cách âm chống ồn ô tô bằng gioăng cao su khá đơn giản, bạn chỉ cần bổ sung thêm một lớp gioăng cao su lên thân xe để tạo ra một độ khít, độ kín tối đa, tránh được những bụi bẩn lọt vào trong xe. Biện pháp này còn có tác dụng là cản trở và ngăn không cho những tiếng ồn từ bên ngoài lọt vào trong xe, làm cho các khe cửa của xe kín hơn và có tác dụng cách âm hiệu quả hơn.


Mức độ hiệu quả của các phương pháp này thế nào?


Kỳ thực thì cả ba phương pháp trên đều chỉ cho hiệu quả cách âm từ 10 – 30% chứ hoàn toàn không thể triệt tiêu hoàn toàn tiếng ồn như quảng cáo. Bên cạnh đó khi thi công bạn sẽ phải tháo lắp xe, nếu trúng cơ sơ sở không uy tín thi công không chuyên nghiệp sau đó xe sẽ gặp khá nhiều vấn đề.


Không phải ngẫu nhiên mà các dòng xe hạng sang lại có thể chạy êm như ru, đó là bởi trong từng chi tiết, hãng xe đã sử dụng các vật liệu đặc biệt và tính toán sao cho cho hiệu quả cách âm đạt tốt nhất. Nên nếu bạn muốn không còn ồn thì chỉ có nước lên tầm xe sang thôi.


Những phương pháp trên chỉ là liệu pháp hạn chế chứ không có hiệu quả tối ưu như bạn nghĩ. Đặc biệt là phủ gầm xe hơi, thực tế thì chức năng chính của phủ gầm xe hơi là hạn chế tình trạng gầm xe bị các chất bẩn, mưa đá ăn mòn. Không nên vì quá tin vào những lời quảng cáo phóng đại mà tiền mất tật mang.


Có nên dán chống ồn xe hơi?


Mới đây, một người dùng chia sẻ trên một trang mạng xã hội về việc tháo gỡ miếng chống ồn đã được gắn trên xe sau một thời gian, theo đó chiếc xe có những tổn thất khiến cho chủ xe phải tốn kém chi phí.


Cánh cửa xe hơi sau khi được tháo lớp chống ồn mà chủ xe chia sẻ.


Người này chia sẻ: “Sau một ngày hì hục để có thể tháo hết các miếng dán chống ồn 4 cánh cửa, tôi nhận thấy không có “cái dại nào giống cái dại nào”. Đầu tiên, mất tiền dán chống ồn cánh cửa, chưa biết hiệu quả như thế nào, nhưng sau một thời gian, bụi và nước sẽ đọng lại ở các khe miếng chống ồn gây hiện tượng han gỉ phía trong mặt cánh cửa. Lâu ngày sẽ nổ sơn và hỏng tôn cánh cửa.”


Người này cũng cho biết, muốn khắc phục triệt để thì phải tháo hết các miếng chống ồn, dán mới thì dễ chứ tháo ra thì “xương” lắm. Cuối cùng là đi khắc phục lại cánh cửa (gò, hàn, bả, sơn) lại thêm tốn kém chi phí.


Sau khi bài chia sẻ này được đăng lên, nhiều chủ xe đã bình luận với các ý kiến trái chiều, có người cho rằng nên để chiếc xe đúng “zin” của nhà sản xuất mà không nên đụng độ cho nó. Cũng có một số ý kiến, do chính vị chủ xe sử dụng chất liệu chống ồn không uy tín nên mới xảy ra sự việc như trên.


Một facebooker tên Hưng chia sẻ: “Chưa bao giờ có ý định làm mấy cái trò chống ồn này, tốn tiền và gần như chả tác dụng gì. Các kỹ sư, hãng xe người ta tính hết rồi, muốn đỡ ồn thì chỉ có đổi xe đắt tiền hơn thôi, tiền làm chống ồn thì độ âm thanh hoặc nâng cấp đèn cho nó hữu dụng hơn”.


Hay bạn Nguyễn Phi Doan nhận định: “Tóm lại không phải vì tiếc tiền hay k chịu chơi mà riêng xe mình là không dán, không độ, không chỉnh gì . Cứ bảo hành bảo dưỡng đúng nơi đúng người và đúng thời gian là ổn”.


Đây là một sản phẩm chống ồn được Vũ car Autoworkshop thi công.


Theo quan sát những hình ảnh được chủ xe chia sẻ, các cánh cửa của xe để lại những vết hoen gỉ do thấm nước lâu dài, đồng thời xuất hiện vết đen của chất dính miếng chống ồn. Người chủ xe này cũng chia sẻ đây là một hoạt động lãng phí mà chưa rõ hiệu quả.


Trên thực tế, việc chống ồn cho xe thường được các chủ xe thực hiện sau khi sở hữu xe là rất nhiều. Theo đó, thương hiệu các loại chống ồn cũng xuất hiện khá nhiều trên thị trường và với mức giá khác nhau. Đồng thời, việc dán chống ồn trên xe cũng đòi hỏi các nhân viên kỹ thuật có tay nghề để đảm bảo không xảy ra sự cố ngoài mong muốn.


Vật liệu và thi công rất quan trọng


Liên quan đến vấn đề này, PLO liên hệ với anh Vũ Khoa (Chủ cửa hàng Vũ car Autoworkshop chuyên về âm thanh xe hơi) để lý giải về chống ồn xe hơi.


Anh Khoa cho rằng: “Chủ xe ở trên không đề cập đến vật liệu gì và thi công như thế nào. Đây là hai thứ quan trọng nhất trong việc thi công chống ồn cho xe. Theo kinh nghiệm của tôi thì chiếc xe ở trên dính phải 2 yếu tố này.”


Anh Khoa phân tích hai yếu tồ gồm: Vật liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có tiêu chuẩn. Khi bóc chống ồn ra nhưng không hết chứng tỏ vật liệu đó có độ bám dính tốt đấy, cái quan trọng trong vật liệu cách âm như thế nào.


Cái thứ hai cần lưu tâm là thi công không đúng cách, thi công không kĩ...gây ra tình trạng bọng bên trong nên giữ nước. Việc cánh cửa ô tô với chiều thẳng đứng như vậy để đọng nước gây mục là khó. Theo quan sát tấm hình của chủ xe chụp lại, tổng thể cái cửa có cái viền đen xung quanh, đó là cái viền của chất kết dính (như hồ) để nhà sản xuất dán tấm nilon lên và để dán được bên trong cần phải tháo tấm nilon này. Do đó, viền đen ở cánh cửa xe có thể do vết bẩn chứ không phải do cách âm.


Việc dán chống ồn cho xe không còn lạ lẫm tại Việt Nam.


Theo tìm hiểu, cách âm cửa là cách thức cách âm rất hiệu quả ở Việt Nam bởi môi trường xe máy gây nên tiếng ồn 2 bên vào rất nhiều, ngoài ra nó cũng tăng chất lượng âm thanh cho những xe chơi âm thanh. Đồng thời, vị trí thi công sàn và hốc bánh là để giải quyết phần ồn từ dưới dội lên, so với thay lốp xe loại êm hơn thì cách âm hiệu quả sẽ cao hơn, chi phí thấp và đời sử dụng lâu hơn.


Ngoài ra, chủ xe có thể cách âm ở bộ phận nắp capo trước, đây là vị trí ồn nhất từ động cơ vào và có 2 vị trí có thể xử lý.


Đặc biệt, để đạt được hiệu quả tối đa của cách âm thì đội ngũ thi công và cách thi công chiếm 1 phần cực kì quan trọng trong cách âm cho xe hơi. Cách sử dụng vật liệu đúng vị trí của xe và thi công đúng cách đúng quy trình sẽ giảm thiểu vấn đề gây ra những âm thanh khác.


Một số chuyên gia khác cũng đồng quan điểm, chồng ồn xe được thực hiện quan trọng ở việc lựa chọn chất liệu và cách thi công. Do đó, các chủ xe cũng cần lưu ý khi lựa chọn hai yếu tố này.


Tham khảo:

>>>Sự khác nhau giữa các gói an toàn của các mẫu xe tại Việt Nam

>>>Chuyển hướng sai quy định gây tai nạn xử phạt thế nào?