Giá xăng tăng gấp đôi so với trước đây khiến chi phí đi lại của tôi ngày càng cao, trong khi thu nhập không tăng kịp, nên việc sử dụng ô tô để đi lại hằng ngày dần trở thành áp lực.
Đầu năm 2020, tôi quyết định mua ô tô khi bước sang tuổi 30 và chuẩn bị đón con đầu lòng. Thời điểm đó, tôi đã có căn chung cư ở xa trung tâm Hà Nội cách công ty khoảng 17km. Lương của tôi là 20 triệu đồng/tháng, của vợ là 10 triệu đồng/tháng, cùng một khoản tiết kiệm gần 300 triệu đồng.
Chọn mua một chiếc xe hạng A lúc ấy với giá lăn bánh xong xuôi mất hơn 400 triệu đồng, tôi được bố mẹ hai bên hết lòng ủng hộ và nội ngoại mỗi bên còn cho vay 50 triệu đồng. Gọi là cho vay chứ khoản 100 triệu đồng này ông bà không lấy lãi, bảo rằng bao giờ sinh cháu thì bố mẹ đưa cho cháu làm quà.
Lúc mới lấy xe, giá xăng đợt đầu năm 2020 là chưa đến 20.000 đồng/lít. Đổ đầy bình chỉ tốn khoảng 600 nghìn đồng. Với mức tiêu thụ trung bình khoảng 7 lít/100km, chi phí xăng cho việc đi lại lúc ấy là khoảng 1.400 đồng/km.
Trung bình mỗi ngày, tôi đi làm và về nhà hết 35km, cộng thêm 5km đưa đón vợ. Cuối tuần thì đi chơi và gặp gỡ bạn bè, cũng ngang với quãng đường đi làm. Một tháng về quê ít nhất một lần, hoặc bên nội, hoặc bên ngoại, đều cách khoảng 100km. Như vậy, một tháng gia đình tôi đi xe tầm 1.300-1.500 km, tốn khoảng 1,8-2,1 triệu đồng tiền xăng.
Đợt tháng 4/2020, xăng xuống thấp kỷ lục, còn chưa đến 12.000 đồng/lít, nhưng khi đó gia đình tôi cũng như mọi người đi lại rất ít do dịch Covid-19. Tính ra lúc này, mỗi km di chuyển chỉ có 840 đồng, nếu đi lại như bình thường thì mỗi tháng gia đình tôi hết khoảng 1,1-1,3 triệu đồng.
Lúc ít đi lại thì xăng rẻ, còn từ đó về sau là xăng liên tục tăng. Từ đầu năm nay, giá xăng thấp nhất cũng là 23.000 đồng/lít và vài tháng gần đây vọt lên quanh mức 30.000 đồng. Tính ra lúc này, mỗi km di chuyển gia đình tôi hết 2.100 đồng, đi lại như thói quen trước đây sẽ tốn 2,7-3,2 triệu đồng mỗi tháng.
Nuôi một chiếc ô tô còn mất tiền gửi xe ở nhà và chỗ làm, khoảng 2 triệu đồng. Đó là chưa kể đi nhiều thì phải bảo dưỡng, thay dầu, các vật tư hao mòn… Để không xe đi thì cũng vẫn mất tiền bảo hiểm, đăng kiểm, phí đường bộ (dù đóng cả năm nhưng cũng cần phải tính vào). Như vậy, cộng chi li thì mỗi tháng hiện nay nuôi xe tốn không dưới 5 triệu đồng.
Biết rằng chiếc ô tô mình chọn thuộc hàng tiết kiệm nhất nhưng với giá xăng cao thế này, tôi không khỏi suy nghĩ mỗi lần lấy xe đi. Chỉ tính riêng tiền cho chiếc xe đã chiếm khoảng 1/6 tổng thu nhập của cả hai vợ chồng. Chưa kể thời gian gần đây, đường từ ngoài vào trung tâm Hà Nội ngày càng tắc, khiến cho việc đi ô tô cũng chẳng mấy thoải mái.
Trong thời gian vợ nghỉ sinh nên chỉ ở nhà, tôi chuyển sang đi xe máy. Ban đầu, bạn bè đồng nghiệp có hỏi ô tô đâu sao không đi, tôi lấy lý do đem xe bảo dưỡng, hôm thì bảo có người mượn, không thì kêu đi ô tô tắc đường quá… Dần dần, mọi người cũng chẳng quan tâm nữa, mà thực ra tôi cũng không còn bận tâm.
Bây giờ đi xe máy, tôi thoải mái hơn và giảm hẳn áp lực chuyện tiền bạc. Biết rằng sẽ mưa nắng, ngoài đường khói bụi nhưng miễn là mình thấy dễ chịu trong lòng. Khoản tiền tiết kiệm được, tôi dành để chăm cô công chúa nhỏ. Còn đương nhiên khi vợ cần đi lại, cho con đi tiêm hay về quê, tôi vẫn có chiếc ô tô để cả gia đình cùng đi.
Tôi cho rằng ô tô vẫn là một phương tiện mà các gia đình nên có vì đây là phương tiện văn minh, đem lại nhiều giá trị. Tuy nhiên, cũng cần phải tính toán khả năng tài chính trong trung hạn, các biến số như giá nhiên liệu tăng, tiền lương thì giảm đi hoặc phát sinh các chi phí mới như nuôi con, chăm bố mẹ ốm đau bất thường…
Ngồi ô tô đương nhiên là sướng hơn "phơi mặt" khi đi xe máy. Nhưng với tôi, đó mới là sướng bên ngoài, phải sướng cả về tinh thần và không bị áp lực gì, khi ấy ô tô mới là lựa chọn đúng đắn. Khi trải qua rồi, tôi tin rằng cũng sẽ có người như mình, còn bạn thì sao?
Độc giả Vũ Nam
Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của app Kgo.