Khóa bánh ô tô trong khu đô thị - Xử lý văn minh hay bảo vệ lạm quyền?

Việc nhân viên bảo vệ trong khu đô thị khóa bánh xe những chiếc ô tô đỗ không đúng quy định nhận được nhiều ý kiến trái chiều xung quanh tính pháp lý của hành động này.


Nhân câu chuyện cặp vợ chồng lao vào tát bảo vệ tại một khu đô thị ở Hà Nội khi bị khóa bánh ô tô (diễn ra ngày 9/6), tôi muốn bàn thêm về vấn đề này.


Thực tế, đã có không ít khu đô thị mà ở đó bảo vệ sẽ tiến hành gọi loa để nhắc những xe đỗ không đúng quy định. Nặng hơn thì những phương tiện này sẽ bị khóa bánh, để lại tờ giấy thông báo và yêu cầu chủ xe vào phòng làm việc. Tùy nơi nhưng thông thường vi phạm lần đầu sẽ nhắc nhở, cam kết không tái phạm và sẽ được mở khóa.


Khóa bánh ô tô trong khu đô thị - Xử lý văn minh hay bảo vệ lạm quyền? - 1
Một ô tô bị khóa bánh bằng thiết bị chuyên dụng (Ảnh: SH).


Đầu tiên, tôi là người rất không ủng hộ việc đỗ xe không đúng quy định. Việc này dễ gây ùn tắc, vướng lối đi, chiếm dụng không gian… Tuy nhiên, tôi cũng đặt câu hỏi về tính pháp lý khi bảo vệ tiến hành khóa bánh xe của người khác.


Trước hết thì việc đặt biển báo cấm đỗ ô tô trong khu đô thị sẽ do đơn vị nào thực hiện? Đường trong khu đô thị có thể là đường nội bộ nhưng cũng có thể là đường do Nhà nước quản lý, vì vậy quy định cắm biển và xử lý vi phạm phải do cơ quan chức năng có thẩm quyền thi hành.


Khi bảo vệ khóa bánh xe của những phương tiện dừng đỗ không đúng quy định thì liệu đây có phải xâm phạm tài sản của người khác? Bảo vệ có được phép tự ý thực hiện trong trường hợp này hay cần tới công an và liệu có chuyện lạm quyền ở đây?


Thứ hai, chỉ xét riêng về cách xử lý ô tô đỗ sai trong khu đô thị bằng cách khóa bánh, tôi cho rằng việc này rất tốt. Phải nói rằng một bộ phận người đi ô tô ở Việt Nam có ý thức rất kém, thấy biển cấm ngoài đường vẫn đỗ, mặc kệ đường hẹp, vậy nên chuyện đỗ bừa bãi trong các khu đô thị không phải chuyện hiếm.


Nếu được cơ quan chức năng cho phép, trao quyền cho bảo vệ khóa bánh xe vi phạm sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng đỗ ô tô bừa bãi. Khi mà lực lượng công an còn nhiều nhiệm vụ khác, bảo vệ có thể xử lý nhanh gọn các xe đỗ sai.


Trong câu chuyện của mình, tôi muốn bàn về vấn đề thượng tôn pháp luật. Người đỗ ô tô không đúng quy định thì vi phạm rồi, nhưng người xử lý cũng cần thực hiện đúng chức năng quyền hạn của mình. Không thể xử lý cái sai của người khác bằng cái sai của mình. 


Và dù thế nào, tôi cũng mong mọi người nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, cùng xây dựng văn hóa giao thông nói chung và đặc biệt là trong câu chuyện dừng đỗ xe.


Độc giả Nguyễn Hoàng