Ô tô mang biển 80-NG có gì đặc biệt, sao lại được đeo trên nhiều siêu xe?

Ý nghĩa biển xe NG

Theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 64/2017/TT-BCA, biển số nền màu trắng, số màu đen, sêri ký hiệu "NG" màu đỏ cấp cho xe của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và nhân viên nước ngoài mang chứng minh thư ngoại giao của cơ quan đó. Riêng biển số xe của Đại sứ và Tổng Lãnh sự có thứ tự đăng ký là số 01 và thêm gạch màu đỏ đè ngang lên giữa các chữ số chỉ quốc tịch và thứ tự đăng ký.

Cách bố trí chữ và số trên biển số xe ô tô nước ngoài nói chung được quy định như sau:

- Nhóm thứ nhất gồm hai số, là ký hiệu địa phương đăng ký xe

- Nhóm thứ hai là ký hiệu tên nước, tổ chức quốc tế, gồm 3 số tự nhiên

- Nhóm thứ ba là sêri đăng ký: ký hiệu "NG" màu đỏ dành xe của cơ quan ngoại giao, ký hiệu "QT" màu đỏ dành cho xe của cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế, ký hiệu "CV" dành cho xe của các nhân viên hành chính kỹ thuật mang chứng minh thư công vụ của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế, ký hiệu "NN" dành cho xe của tổ chức, văn phòng đại diện, cá nhân nước ngoài (trừ Đại sứ và Tổng Lãnh sự; người đứng đầu cơ quan đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc; và các nhân viên hành chính kỹ thuật mang chứng minh thư công vụ của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế).

- Nhóm thứ tư là thứ tự xe đăng ký, gồm hai chữ số tự nhiên, từ 01 đến 99.

Giữa ký hiệu địa phương, ký hiệu tên nước, sêri đăng ký và thứ tự đăng ký được phân cách bằng gạch ngang (-).

Ô tô mang biển 80-NG có gì đặc biệt, sao lại được đeo trên nhiều siêu xe? - 1

Xe của Đại sứ quán Áo tại Việt Nam (Ảnh: VF).

Theo quy định, biển số xe 80-001-NG-01 như trong ảnh trên được hiểu là xe ngoại giao của Áo (001) đăng ký tại Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (80) dành cho người đứng đầu cơ quan ngoại giao (số thứ tự 01), ở đây là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Áo tại Việt Nam.

Những đặc quyền của xe ngoại giao và quy định pháp luật

Xe ngoại giao được miễn thuế và hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao khi sử dụng tại Việt Nam; vì vậy, không ít người lợi dụng để "lách thuế", ví dụ như tự ý thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển nhượng "chui" xe mang biển ngoại giao, xe quá hạn không làm thủ tục chuyển nhượng, tái xuất, tiêu hủy đúng thời gian.

Hình thức phổ biến nhất là mua bán suất ô tô ngoại giao tạm nhập khẩu để gắn biển ngoại giao lên siêu xe và xe sang để "né" số tiền thuế không nhỏ. Giá mua tùy thuộc vào thời gian công tác còn lại của các viên chức ngoại giao tại Việt Nam, khoảng từ vài chục ngàn đến hơn 100.000 USD/suất. Bằng cách này, dân chơi có cơ hội sở hữu những chiếc xe nhập khẩu đắt đỏ với giá chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với xe phải đóng thuế, phí đầy đủ để ra "biển trắng".

Về đặc quyền khi tham gia giao thông, nếu người điều khiển xe ngoại giao thuộc trường hợp được hưởng quyền miễn trừ xét xử thì khi xảy ra va chạm, CSGT sẽ gửi hồ sơ đến Bộ Ngoại giao để có thể xử lý theo con đường ngoại giao. Như vậy, nếu xe gắn biển số ngoại giao, nhưng người lái không có chứng minh thư nhân dân ngoại giao lưu thông trên đường vi phạm giao thông vẫn bị xử lý theo quy định của Luật Giao thông đường bộ Việt Nam.

Ngoài ra, để chấm dứt tình trạng các xe ô tô mang biển "ngoại giao" tại Việt Nam đã quá hạn nhưng chưa thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, tái xuất, tiêu hủy đúng thời gian, vẫn "lách luật" lưu thông, cơ quan chức năng đã siết chặt công tác kiểm tra, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe ngoại giao quá hạn chuyển nhượng, đồng thời rà soát thông tin người đang đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký xe đối với số xe chưa làm thủ tục chuyển nhượng và thông báo cho Bộ Tài chính. 

Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ đạo cơ quan đăng kiểm thực hiện dừng đăng kiểm đối với số xe chưa làm thủ tục chuyển nhượng xe mang biển ngoại giao theo danh sách do Bộ Tài chính thông báo.

Một số quy định khác về biển số xe:

Ô tô mang biển 80-NG có gì đặc biệt, sao lại được đeo trên nhiều siêu xe? - 2