Người khuyết tật vẫn có thể được cấp giấy phép lái xe ô tô

Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền video ghi lại một vụ va chạm giao thông giữa hai xe ô tô, với chi tiết đáng chú ý là một người điều khiển ô tô bị cụt chân. Sự việc khiến nhiều người thắc mắc liệu người khuyết tật có được cấp bằng lái và có được phép lái xe ô tô (GPLX) hay không.

Người khuyết tật vẫn có thể được cấp giấy phép lái xe ô tô - 1

Tài xế điều khiển xe ô tô gây tai nạn cụt chân phải (Ảnh: Chụp từ clip).

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 60 của Luật Giao thông đường bộ, người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe.

Trong khi đó, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ quy định rằng người khuyết tật đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe vẫn được đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô hạng B1 số tự động. 

Theo đó, người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định, được tự học các môn lý thuyết nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo; cơ sở đào tạo sử dụng xe hạng B1 số tự động có đủ điều kiện của cơ sở đào tạo làm xe tập lái.

Trường hợp người khuyết tật không đủ điều kiện lái xe

Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT về tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe do liên Bộ GTVT và Bộ Y tế ban hành có quy định người cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng) được xác định là không đủ điều kiện để lái xe hạng A1 và B1; người cụt hoặc mất chức năng 2 ngón tay của một bàn tay trở lên hoặc cụt hoặc mất chức năng một bàn chân trở lên thì không đủ điều kiện để lái xe hạng A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, F.

Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định, đối với người khuyết tật không đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo, thì cơ sở đào tạo có thể sử dụng xe ô tô của người khuyết tật để làm xe tập lái cho học viên. Ô tô của người khuyết tật phải vừa có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, vừa bảo đảm các điều kiện theo quy định tại các điểm đ, e, i và k khoản 2 Điều 6 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Lái xe khi chưa có GPLX sẽ bị phạt như thế nào?

Cụ thể với trường hợp người đàn ông cụt chân phải điều khiển xe ô tô gây tai nạn đang gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh cho biết, Sở đã rà soát thông tin về chủ phương tiện là ông N.V.C. trên hệ thống quản lý giấy phép lái xe. Kết quả cho thấy ông C. không có dữ liệu về giấy phép điều khiển ô tô trên hệ thống của Sở.

Theo quy định tại Điều 58 và Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải thỏa mãn điều kiện về độ tuổi, sức khỏe và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển.

Trong khi đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định mức phạt tiền 10-12 triệu đồng. Nếu không có GPLX theo quy định mà gây tai nạn giao thông thì tùy mức độ, người vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-10 năm theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.