Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tiếp xảy ra các vụ cháy xe ô tô.
Chiều 21/5, xe ô tô do một người đàn ông trú huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đang lưu thông trên tỉnh lộ 538, đoạn qua dốc Truông Tràng (xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị bốc cháy. Trên xe lúc này có 5 người, gồm một người già và 2 trẻ nhỏ.
May mắn, cả 5 người trên xe đã thoát ra ngoài an toàn trước khi ngọn lửa bao trùm cả xe. Chiếc xe bị thiêu cháy bất chấp nỗ lực của tài xế và người dân.
Anh Hồ Huy Tuấn (trú xã Quỳnh Tam), nhân chứng vụ việc, cho rằng nguyên nhân cháy có thể ô tô bị rơm quấn vào ống xả. Trong quá trình di chuyển, ống xả phát nhiệt, cộng với rơm khô nên bén lửa. Do không phát hiện kịp thời nên lửa bùng, gây cháy xe.
Sau 3 ngày, thêm một vụ cháy ô tô xảy ra tại thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Chiếc xe 4 chỗ do một người đàn ông trú huyện Diễn Châu điều khiển đã phát hỏa từ vị trí gầm xe. Tại hiện trường cách ô tô khoảng 20m, một đống rơm nhỏ cũng bị thiêu rụi.
May mắn, nhờ sự hỗ trợ của người dân địa phương, ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt. Tuy nhiên, một số bộ phận bằng nhựa và gầm phía sau của ô tô cũng bị hư hại. Nguyên nhân vụ cháy cũng được nghĩ đến do xe vướng rơm vào gầm trong quá trình di chuyển.
Thời điểm này, nhiều địa phương tại Nghệ An đang vào vụ gặt lúa. Người dân tận dụng đường để phơi lúa, rơm khiến nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Cộng với thời tiết nắng nóng, nhiều tài xế "toát mồ hôi" khi lưu thông trên đường quê.
Anh Nguyễn Phùng Úy (trú huyện Thanh Chương, Nghệ An) vừa có một trải nghiệm hãi hùng khi di chuyển trên đường rơm ở xã Đồng Văn, Thanh Chương.
"Xe tôi gầm thấp, đi qua con đường phơi rơm dày, thấy không yên tâm nên xuống kiểm tra thì phát hiện rơm cuốn ở ống xả. Phải dùng kích để nâng xe lên rồi tháo rơm ra. Nhìn nắm rơm vừa kéo bị sém đen mà giật mình, nếu chạy thêm vài cây số nữa thì không biết chuyện gì xảy ra", anh Úy kể.
Sau lần kéo rơm cháy sém ra khỏi ống xả, anh Úy cẩn thận hơn. "Đi đường rơm là cứ chạy độ nửa cây số phải xuống kiểm tra một lần", nam tài xế cho biết.
Là giáo viên dạy lái xe, trung bình mỗi ngày anh Trần Đức Trung Thông (trú huyện Đô Lương, Nghệ An) phải hướng dẫn học viên chạy hơn 200km, chủ yếu ở các tuyến đường liên huyện. Vào mùa thu hoạch, nhiều đoạn đường nông thôn phơi đầy rơm trở thành nỗi ám ảnh của giáo viên dạy lái xe này.
"Đoạn nào xe chạy qua đường phơi rơm dày, nguy cơ dễ bị cuốn rơm vào ống xả hoặc 4 lốp xe hoặc cảm thấy xe bị "bó" thì phải dừng lại, xuống kiểm tra và gỡ rơm ra", anh Thông cho hay.
Cho rằng xe gầm cao ít bị cuốn rơm vào ống xả nhưng trung bình một hành trình chạy thực hành của học viên, anh Thông phải dừng 3 lần để kiểm tra, nhiều nhất là 5 lần. "Thực ra cơ quan chức năng cũng khó ngăn người dân tận dụng đường để phơi rơm nên mình phải chủ động phòng ngừa thôi", anh nói.
Trước tình trạng liên tục xảy ra nhiều vụ cháy xe ô tô, bao gồm cả xe lưu thông qua đường phơi rơm rạ và xe đang đậu trong sân, mới đây, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an Nghệ An đã đưa ra các khuyến cáo chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện.
Cụ thể, cần thận trọng, không chủ quan khi chở hàng hóa trong hầm hàng, khoang hành lý, đặc biệt khi chở xe máy phải đảm bảo không còn nhiên liệu rò rỉ có thể gây cháy; thận trọng khi đi qua khu vực có chất dễ cháy như rơm rạ, rác nilon… Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp cháy xe do đi qua khu vực phơi nhiều rơm rạ.
Tài xế cần chú ý bảo dưỡng xe định kỳ, không độ chế, lắp thêm thiết bị vào hệ thống điện của xe (đèn, loa...); kiểm tra tình trạng xe trước mỗi chuyến đi, không bơm lốp quá căng. Hạn chế vận hành xe liên tục trong thời gian dài dưới điều kiện nhiệt độ cao (cần có thời gian nghỉ phù hợp) và sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn tại cây xăng, trạm nhiên liệu hợp pháp; không sử dụng nhiên liệu không rõ nguồn gốc.
Khi ô tô hoạt động, nhiệt độ tại cổ ống xả rất cao, có thể gây cháy bất kỳ lúc nào có rơm, rạ vướng vào. Đặc biệt, nguy cơ cháy còn cao hơn với ô tô cũ, có nhiều vết dầu mỡ tích tụ lâu ngày ở bên ngoài các bộ phận dưới gầm xe.
Ở những nơi rơm rạ được phơi thành lớp dày trên mặt đường, ô tô còn có nguy cơ bị rơm rạ cuốn vào gây kẹt bánh xe. Trong tình huống này, tài xế càng đạp ga, động cơ càng tăng nhiệt, và hơi nóng sẽ khiến cho rơm rạ bốc cháy nhanh hơn.