Theo Telegraph, vụ cháy xe xảy ra vào khoảng hơn 5 giờ chiều ở làng Nuthall, Nottinghamshire (Anh quốc) hôm 27/5 vừa qua, do ánh nắng hội tụ vào chiếc kính râm để trên táp-lô được phản chiếu, tạo sức nóng lớn đủ để gây cháy.
Lửa đã nung chảy nội thất và một số bộ phận bằng nhựa trong khoang động cơ, cũng như làm thủng một lỗ lớn trên kính chắn gió phía trước.
Sở cứu hộ và cứu hỏa Nottingham (NFRS) đã có mặt và dập lửa, sau đó chia sẻ hình ảnh trên lên mạng xã hội Twitter để cảnh báo về nguy cơ cháy xe vì một chiếc kính râm để trong ô tô đỗ dưới trời nắng.
"Đứng để những vật có khả năng phản chiếu ánh sáng hứng nắng trực tiếp trên xe", họ khuyến cáo.
Đáp lại, nhiều tài xế đã cảm ơn lực lượng cứu hỏa Nottinghamshire vì lời nhắc nhở, bởi trước đó; họ không hề biết có nguy cơ này.
Một số vật dụng có thể gây cháy ô tô vào mùa hè
Với nhiệt độ bốc lên từ mặt đường cộng thêm ánh nắng trực tiếp dưới trời nắng 38-40 độ C, nhiệt độ trong xe có thể lên tới 60-80 độ C. Khi đó, rất nhiều vật dụng để trong xe có nguy cơ bốc cháy hoặc phát nổ do áp suất bên trong tăng cao.
Có thể chia thành 3 nhóm đồ vật không nên để phơi nắng trực tiếp trong ô tô vào mùa hè.
Đầu tiên là các thiết bị điện tử gia dụng dùng pin, như máy tính, điện thoại, sạc dự phòng... Lý do là pin lithium-ion rất nhạy cảm với nhiệt độ, khi ở trong xe ô tô đóng kín cửa đỗ dưới trời nắng, pin có thể nóng chảy, dẫn tới nguy cơ cháy nổ.
Thứ hai là các loại bình nén khí hoặc bình chứa chất dễ cháy nổ, như nước hoa, xịt khoáng, khử mùi, bật lửa, hay bình cứu hỏa. Chất đẩy bên trong các bình xịt rất dễ cháy và khi vỏ bình nóng lên, áp suất bên trong tăng cao, có thể làm nổ/vỡ bình, giải phóng các chất đẩy dễ cháy, có nguy cơ dẫn tới hỏa hoạn nếu gần tia lửa.
Thứ ba là các vật có khả năng phản chiếu, hội tụ ánh sáng, như chai nước, kính mát, kính lão,...
Chai nhựa, hoặc thủy tinh thường có thiết kế dạng trụ tròn, chứa nước ở bên trong sẽ tạo thành một thấu kính lồi. Khi ánh nắng mặt trời chiếu vào, vai trò thấu kính hội tụ của chai nước sẽ "phát huy". Nếu thời gian chiếu đủ lâu và ánh nắng đủ mạnh, các tia nắng hội tụ tại một điểm có thể đốt cháy các bề mặt nội thất như bọc ghế hoặc thảm sàn..., từ đó thậm chí có thể gây cháy xe. Nguy cơ với kính mắt cũng tương tự.
Giải pháp chung cho các trường hợp trên nếu bắt buộc phải để trên xe là cất những đồ dễ cháy trong bao, túi, hoặc balô, và để ở những vị trí không hứng ánh nắng trực tiếp từ cửa kính. Nếu không thực sự cần thiết, đừng để chúng trên xe, hãy cất ở nhà để đảm bảo an toàn.
Khi trời nắng, hãy cố gắng tìm chỗ có mái che hoặc bóng râm để đỗ ô tô. Trong trường hợp buộc phải đỗ ô tô dưới trời nắng, hãy chống nóng cho xe bằng cách sử dụng các tấm chắn nắng.