Biển vàng khác gì biển trắng?
Biển kiểm soát màu trắng, chữ và số màu đen, sê-ri sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z cấp cho xe của các tổ chức, cá nhân trong nước, không thuộc nhóm xe của các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Nhà nước.
Trong khi đó, biển kiểm soát màu vàng, chữ và số màu đen cấp cho xe hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z.
Biển số xe ô tô, xe mô tô nền màu vàng, chữ và số màu đỏ, có ký hiệu địa phương đăng ký và hai chữ cái viết tắt của khu kinh tế theo quy định của Chính phủ.
Việc phân loại các biển số xe và cấp loại biển số riêng cho từng đối tượng giúp cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát và giám sát việc sử dụng phương tiện giao thông một cách hiệu quả.
Đổi màu biển sẽ mất số đẹp
Trước ngày 15/8, việc đăng ký biển số được thực hiện quy định theo Thông tư 58/2020 của Bộ Công an. Theo đó, việc chuyển từ biển kiểm soát màu vàng sang biển màu trắng, và ngược lại, được phép giữ nguyên phần chữ và số, với chi phí 100.000-150.000 đồng tùy loại xe.
Tuy nhiên, từ ngày 15/8, việc đăng ký biển số được thực hiện theo Thông tư 24/2023/TT-BCA, không cho phép giữ nội dung trên biển số khi chuyển đổi như vậy nữa.
Cụ thể, Khoản 2, Điều 18 của Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định: "Trường hợp cấp đổi biển số từ nền màu trắng, chữ và số màu đen sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen, hoặc từ nền màu vàng, chữ và số màu đen sang biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen thì cấp biển số định danh mới (trường hợp chưa có biển số định danh) hoặc cấp lại biển số định danh (trường hợp đã có biển số định danh)".
Như vậy, nếu muốn giữ nguyên số đẹp, chủ ô tô buộc phải giữ nguyên màu biển.