Chức năng của lốp là nâng đỡ toàn bộ khối lượng thân và hàng hóa trên xe. Đây là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường vì vậy nó còn đảm nhận chức năng dẫn hướng và kiểm soát tốc độ. Ngoài ra, lốp còn làm giảm các rung động tác động lên thân xe.
Hiệu suất giảm
Việc kiểm tra áp suất lốp thường xuyên rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn, hơn nữa lốp đủ hơi còn giúp xe tiết kiệm được nhiên liệu. Trong khi kiểm tra các lốp, nếu phát hiện lốp xe bị xẹp bất thường hoặc không đủ áp suất theo khuyến cáo, thì đã đến lúc nên thay lốp mới. Bởi lúc này rất có thể lốp đã bị rò khí, có thể là do bánh bị nứt, lõm...
Chiều sâu tối thiểu của rãnh lốp không đạt
Mỗi loại lốp đều có in logo nổi bên hông, cho biết các chỉ số về độ mòn lốp tại mỗi rãnh chính của mặt lốp. Các gờ nổi nhỏ ở mặt đáy của các rãnh hoa lốp có chức năng cảnh báo độ mòn của lốp. Theo nhiều nhà sản xuất lốp và các cơ quan chính phủ khuyến cáo, độ bám đường sẽ bị ảnh hưởng khi độ sâu của rãnh lốp còn lại 4/32 inch (khoảng hơn 3mm). Bạn có thể đo độ sâu của rãnh lốp thông qua độ mờ của chữ trên lốp, hoặc dùng thước đo chuyên dụng.
Do vậy, người dùng không nên tự làm mới rãnh lốp vì chúng cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông do lốp xe bị mỏng đi, không bảo đảm chất lượng và độ an toàn. Tương tự, người dùng cũng nên cảnh giác với các cơ sở "phục chế" lốp cũ, không ham rẻ mà mang họa vào thân.
Có những điểm phồng lên, nứt nẻ, bong tróc
Bề mặt của lốp chịu nhiều áp lực nên rất dễ bị hư hỏng, hậu quả là xuất hiện những vết phồng nhỏ, nứt nẻ, bong tróc trên thành lốp. Những điểm hư hỏng này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, đặc biệt khi xe phải di chuyển trong điều kiện đường hay thời tiết khắc nhiệt, xe có thể rất dễ bị nổ lốp. Chính vì vậy, nếu không phát hiện và thay thế kịp thời sẽ có nguy cơ tai nạn.
Lốp cán đinh nhiều lần
Lốp dính đinh nhiều thường xảy ra khi xe di chuyển trên cao tốc, mà nguyên nhân chính là do nạn "đinh tặc". Tuy nhiên, nếu chủ xe nhận thấy lốp bị dính đinh nhiều lần thì nên thay lốp mới.
Theo kinh nghiệm chăm sóc bảo dưỡng, với trường hợp vết đinh nhỏ và nông. Tài xế có thể dùng một chiếc ốc vừa với chiếc đinh bị đâm. Sau đó dùng băng tan cuộn xung quanh ốc, rồi nhổ chiếc đinh kia ra. Việc này sẽ có tác dụng làm hạn chế giảm áp suất lốp. Hiện nay, lốp ô tô chủ yếu là lốp không săm nên cách này được đánh giá khá hiệu quả. Ngoài ra, tài xế nên mua một chiếc bơm mini để "cấp cứu" trong những trường hợp khẩn cấp.
Vô lăng rung, lắc
Lốp xe bị hư hỏng cũng gây nên hiện tượng rung, lắc. Nếu lốp xe bị sai lệch, hư hỏng hay chất lượng thấp cũng sẽ làm mất sự cân bằng giữa các bánh và cảm nhận rõ nhất khi xe chạy từ 60 km/h trở lên. Dấu hiệu là rung lắc vô lăng và đôi khi là toàn bộ thân xe.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc tay lái bị rung, nhưng nếu lốp mòn không đều, người lái có thể cảm nhận rất rõ rết sự rung lắc vô-lăng khi lái. Cho nên, người lái cần phải đảo lốp định kỳ và cân bằng lại lốp. Sau khi thực hiện những thao tác trên mà lốp vẫn rung, có thể tài xế nên thay lốp mới.
Quá hạn sử dụng lốp xe
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dùng nên thay lốp định kỳ 6 năm. Trên lốp có những chỉ số để hướng dẫn người dùng biết thời điểm cần thay lốp mới, dù không sử dụng xe thường xuyên hay lốp đang ở trạng thái bình thường.
Sau khoảng thời gian 5 năm hoặc hơn, phải tiến hành kiểm tra ít nhất 1 lần/năm. Với một số trường hợp cần thiết, người dùng nên thay lốp theo khuyến nghị của nhà sản xuất.
(Nguồn ảnh: Internet)