1. Kiểm tra màu sơn, thân vỏ, khoang động cơ và gầm xe
Khi mua xe cũ mà hình thức quá mới cũng đáng ngại, bởi có thể đó là xe từng bị đâm đụng nghiêm trọng, đã được vào lại vỏ. Tuy nhiên, nhiều thợ xe cũng đủ "khôn" để chỉ tân trang ở mức vừa phải, không khiến khách hàng nghi ngờ.
Khi đi mua xe cũ, tốt nhất nên kiểm tra màu sơn dưới trời nắng to, để có thể dễ dàng phát hiện những chỗ sơn khác màu hoặc bề mặt sơn lỗi lõm không đều (nếu có). Bên cạnh đó, cần chú ý xem các khe hở, rãnh chỉ trên thân xe có đều không, để phát hiện xe từng đâm đụng mạnh, đã qua đại tu.
Nếu phát hiện có những chỗ han gỉ trên nóc xe, khoang động cơ, bên trong vòm bánh xe hoặc bên dưới thảm sàn thì không nên mua, vì nhiều khả năng xe từng bị ngập nước. Kiểm tra bên dưới gầm xe cũng nhằm mục đích tương tự.
Khoang động cơ là khu vực dễ khiến người mua xe thông thường bối rối vì có nhiều chi tiết phức tạp, không phải ai cũng đánh giá được tình trạng. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra mức độ sạch bẩn của khoang máy, tình trạng của các con ốc,...
Khoang động cơ quá sạch so với tuổi đời xe sẽ là điểm cần đặt dấu hỏi. Ngoài ra, những xe từng bị ngập nước, hoặc đã qua đại tu, thì toàn bộ ốc máy sẽ không còn nguyên bản, mà có dấu vết trầy xước.
2. Xem kỹ lịch sử bảo dưỡng, sửa chữa
Nếu một chiếc xe cũ có lịch sử sửa chữa và bảo dưỡng rõ ràng, kèm theo hóa đơn, biên nhận, thì rất đáng cân nhắc, vì đó là dấu hiệu cho thấy chủ xe cẩn thận, có trách nhiệm.
Hồ sơ này cũng sẽ đảm bảo rằng xe không bị tua công-tơ-mét.
3. Kiểm tra nội thất và tất cả các tính năng
Việc trước tiên khi ngồi vào trong xe là xem các chi tiết nội thất có quá bẩn, ghế da có "nát" quá không. Một chiếc xe ít đi hoặc được chăm sóc kỹ thì sau 5 năm sử dụng, mặt đệm ghế vẫn còn khá căng, sạch sẽ.
Ngoài ra, hãy chú ý các dấu hiệu ẩm mốc - chỉ dấu của xe từng bị ngập nước.
Tuy nhiên, một chiếc xe cũ mà có nội thất quá mới cũng rất đáng ngờ, bởi có thể nó đã được làm lại toàn bộ để "xóa dấu vết" đâm đụng hoặc ngập nước.
Kế đến, hãy bật thử từng chức năng để kiểm tra, như đèn điều hòa, cửa kính, gạt nước, cần điều khiển xi-nhan, đèn nội thất, đèn cụm điều khiển, khóa cửa, đài...
Nếu điều hòa không mát, ồn, hoặc phả mùi khó chịu thì không nên mua chiếc xe đó vì việc sửa chữa điều hòa ô tô có thể rất đắt.
4. Xem kỹ tình trạng lốp
Tuổi lốp: Hãy tìm năm sản xuất và kiểm tra xem tất cả các lốp có cùng năm sản xuất không. Việc này sẽ cho bạn biết lốp còn cũ hay mới, có được thay cùng một thời điểm không.
Tình trạng lốp: Thành lốp bị mòn hoặc phồng không an toàn để sử dụng, đồng thời cho thấy chủ cũ không chăm sóc tốt cho xe. Lốp quá mòn cũng là dấu hiệu của việc xe không được bảo dưỡng định kỳ.
Nếu có dấu hiệu mòn quá mức ở mặt trong hoặc ngoài của lốp, thì đó là dấu hiệu của việc xe không được cân bằng độ chụm của bánh và đảo lốp định kỳ, hoặc có vấn đề ở hệ thống treo.
Lốp khác nhau: Thông thường lốp xe được thay theo cặp trước/sau hoặc cả 4 bánh cùng lúc, nên nếu bạn thấy một trong 4 lốp khác thương hiệu thì đó là dấu hiệu của một chiếc xe có vấn đề lớn về kỹ thuật hoặc chủ xe thiếu chăm sóc kỹ lưỡng.
5. Lái thử
Tốt nhất là lái thử xe trên nhiều loại đường khác nhau (đường đô thị, đường cao tốc, đường quê,...) và thử nhiều kiểu lái khác nhau (tăng/giảm tốc đột ngột, lên dốc, khởi động giữa dốc,...) để đánh giá chính xác tình trạng cũng như khả năng vận hành của xe.
Nếu vì lý do gì đó mà bạn không thể lái thử xe đường dài, việc chạy lòng vòng cũng có thể giúp phát hiện các vấn đề trục trặc của xe, như tiếng động lạ ở động cơ, tay lái bị lạng, xe rung lắc dù mặt đường tương đối phẳng,...
Đặc biệt, nếu bên bán tuyệt đối không cho bạn lái thử xe thì hãy lập tức dừng giao dịch.