Vị anh hùng “nối những bờ vui” nơi đất Cảng

Ông cũng là người kiến tạo mạng lưới giao thông, phát triển đô thị Hải Phòng với những tầm nhìn chiến lược.

Gần thập kỷ “thai nghén” cầu Bính

vị anh hùng “nối những bờ vui” nơi đất cảng

Anh hùng lao động Vũ Đức Thiện cùng hình ảnh cây cầu Bính

Một ngày tháng 6/2023, tại nhà riêng Anh hùng lao động Vũ Đức Thiện, nhóm PV Báo Giao thông thực hiện một cuộc trò chuyện đặc biệt bởi sự có mặt của cả Ban Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng.

Ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng chia sẻ: “Bác Vũ Đức Thiện là một trong những người có đóng góp to lớn nhất đối với việc xây dựng hệ thống giao thông Hải Phòng, trong đó có nhiều công trình mang tầm vóc thế kỷ.


Các ý tưởng quy hoạch không gian đô thị, phát triển kinh tế của bác sau này được triển khai, chứng tỏ tầm nhìn chiến lược đi trước thời đại hàng chục năm”.


Ngày 29/11/1961, Bác Hồ về thăm Trường Giao thông Thủy bộ (Bộ GTVT), khi đó tôi là sinh viên được vinh dự ngồi hàng đầu, nghe Bác Hồ căn dặn. Bác nói: “Giao thông cũng như mạch máu chảy trong cơ thể con người, mạch máu có lưu thông con người mới khỏe mạnh, mạch máu không lưu thông thì con người ốm yếu. Giao thông thông, mọi việc ắt phải thông”. Những lời nói của Bác luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của tôi trong mấy chục năm qua. Anh hùng lao động Vũ Đức Thiện


Huyện Thủy Nguyên hiện nay là một trong những khu vực phát triển sôi động nhất của TP Hải Phòng.

Tại đây đang hình thành Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, trung tâm hành chính mới của Hải Phòng và định hướng phát triển trở thành TP Thủy Nguyên.

Nhận thấy vai trò và tiềm năng của Thủy Nguyên trong việc phát triển, kết nối tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh từ 20 năm trước, ông Thiện và các đồng nghiệp đã tự mày mò, lên phương án, lập dự án tiền khả thi và tham mưu cho TP Hải Phòng trong định hướng phát triển kinh tế vùng.

Ông nhận định việc xây dựng ít nhất một cây cầu song song với cầu Kiền sẽ phát huy được vai trò và thúc đẩy kinh tế huyện Thủy Nguyên nói riêng và phát triển kinh tế vùng nói chung sẽ tốt hơn.

Theo ông Thiện, nếu chưa có cầu Bính từ nội thành Hải Phòng sang thị trấn Núi Đèo (Thủy Nguyên), xe tải qua cầu Kiền phải mất 24km. Khi cầu Bính hoàn thành, quãng đường còn 8km.

Dự án xây dựng cầu Bính được TP Hải Phòng bắt đầu triển khai từ năm 1994, đến năm 1997 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 7/4/1998, dự án được phê duyệt thiết kế kỹ thuật nhưng tới ngày 19/10/2001, quyết định phê duyệt tổng dự toán mới được ký.

Đến khoảng tháng 8/2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhà thầu và lễ khởi công được tiến hành.

Cầu Bính được khánh thành vào ngày 13/5/2005, nối liền trung tâm TP Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên, hướng đi Quảng Ninh.

Với chiều dài gần 1,3km, cầu Bính được coi là cây cầu dây văng hình học đẹp và hiện đại nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Sau gần 20 năm đưa vào sử dụng, cầu Bính trở thành cầu nối giao thông quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng.

Kể từ khi có cầu Bính bắc qua sông Cấm, diện mạo huyện Thủy Nguyên đã thay đổi từng ngày.

Theo ông Bùi Công Suất, nguyên Phó Bí thư huyện Thủy Nguyên, việc xây dựng cầu Bính bắc qua sông Cấm là một dự án mang tầm nhìn chiến lược đối với phát triển tam giác kinh tế vùng trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Tầm nhìn chiến lược

Cầu Bính trong ngày khánh thành

Năm 1962 tốt nghiệp ra trường, ông Vũ Đức Thiện về công tác tại Sở GTVT Hải Phòng. Giai đoạn 1975 về sau, ông đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc rồi Tổng giám đốc Công ty Công trình giao thông Hải Phòng.

Trong thời kì đổi mới, Việt Nam chưa thể chế tạo ra trạm bê tông asphalt. Bộ GTVT lập đề án cấp quốc gia về sản xuất, xây dựng trạm trộn bê tông.

Nắm bắt chủ trương này, ông Thiện liên kết với một doanh nghiệp xung phong lập các trạm trộn bê tông asphalt đầu tiên của cả nước với kinh phí thấp hơn 20 lần so với nhập trạm trộn từ nước ngoài về

Trạm trộn ra đời đã thay thế công nghệ làm đường cũ kĩ thô sơ trước đó, chất lượng các công trình giao thông được nâng cao, giảm chi phí đầu tư và tạo được nhiều công ăn việc làm cho công nhân.

Mô hình trên đã được nhân rộng ra khắp các tỉnh thành, các tuyến phố chính được asphalt hóa đã tạo nên một diện mạo mới cho đô thị.

Khu đô thị mới Bắc sông Cấm ở Hải Phòng hiện tại đang là đại dự án lớn nhất Hải Phòng.

Ít ai biết rằng từ hơn 20 năm trước, kỹ sư Vũ Đức Thiện chính là người đầu tiên lên ý tưởng, lập nên bản quy hoạch về khu đô thị này.

Khi đó, bản quy hoạch đã có đầy đủ về giao thông kết nối giữa trung tâm Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên với các cây cầu như cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Nguyễn Trãi ngày nay.

Tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng hiện nay là trục giao thông đặc biệt quan trọng, là một phần của tuyến QL5 nối với toàn bộ hệ thống cảng biển khu vực Đình Vũ.

Những người làm ra tuyến đường này chính là cán bộ, công nhân của Công ty Công trình giao thông Hải Phòng do ông Thiện làm Giám đốc.

Với vai trò là Giám đốc Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng, ông Vũ Đức Thiện còn là tác giả của hàng loạt cây cầu, tuyến đường để giờ đây TP Hải Phòng được mệnh danh là “thành phố của những cây cầu”.

Ngoài cầu Bính, ông Thiện còn là tác giả của cầu Khuể, cầu Rào 2, tuyến đường Hồ Sen - cầu Rào 2, tuyến đường máng nước An Đồng. Tất cả đều là những điểm nhấn giao thông, giúp Hải Phòng trở thành trung tâm kết nối vùng.

Ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho biết: “Cả cuộc đời gắn bó với việc xây dựng các cây cầu, con đường, ông Vũ Đức Thiện là một kỹ sư với tầm nhìn chiến lược đối với hệ thống giao thông của thành phố Cảng.

Tới nay, dù đã ở độ tuổi ngoài 80 nhưng ngọn lửa nhiệt huyết vẫn cháy trong ông, ông thường xuyên có những đóng góp, tư vấn cho các lớp lãnh đạo ngành GTVT ở Hải Phòng”.


Kỹ sư Vũ Đức Thiện sinh năm 1943 tại tỉnh Thái Bình. Năm 2000, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới bởi những thành tích đặc biệt xuất sắc trong giai đoạn 1989 - 1999.

Ông cũng đã được tặng Huân chương Lao động hạng Ba cùng rất nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ GTVT và TP Hải Phòng.